15 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa EVN và Tổng cục An ninh

Những năm qua, được sự giúp đỡ, phối hợp của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và công an các tỉnh, thành phố, các công trình điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn được bảo vệ an toàn.

Triệt phá nhiều vụ trọng án

Các công trình điện do EVN quản lý, vận hành trải rộng khắp các vùng, đa số ở những vùng rừng núi, địa hình phức tạp, xa khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn, có những công trình tiếp giáp biên giới (nhất là hệ thống đường dây tải điện 500 kV, 220 kV) rất dễ bị kẻ gian và phần tử xấu trộm cắp, phá hoại.

Theo thống kê của Tổng cục An ninh, thời gian qua, công an các địa phương đã phối hợp với các đơn vị thuộc EVN điều tra, xác minh làm rõ hơn 2.500 vụ mất cắp tài sản, các thiết bị, phụ kiện của đường dây tải điện và trộm cắp điện, xử lý hơn 2.000 đối tượng và xử lý hành chính hàng nghìn vụ vi phạm sử dụng điện, truy thu hàng chục tỷ đồng. Điển hình là: Năm 2012, Công an Bắc Ninh đã lập chuyên án đấu tranh bắt 3 đối tượng trộm cắp máy biến áp, thiết bị điện tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc; Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra 243 vụ, xử lý 454 đối tượng trộm cắp phụ kiện, thiết bị trên đường dây, trạm biến áp; Công an Nghệ An điều tra, xử lý 290 vụ, bắt giữ 210 đối tượng;…

Các công trình trọng điểm của ngành Điện được lực lượng công an địa phương đảm bảo an toàn

Ảnh: st

Không những vậy, công an các địa phương đã tham mưu chính quyền địa phương và phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuộc EVN giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư các dự án trọng điểm như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng - Bản Chát; cùng nhiều dự án đường dây 220 kV, 500 kV khác, đảm bảo tiến độ dự án, không để xảy ra tình hình khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn.

Ngoài ra, lực lượng công an các địa phương đã phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố gây mất điện diện rộng như: Sự cố ngày 22/5/2013 trên đường dây 500 kV Tân Định - Di Linh thuộc địa phận tỉnh Bình Dương gây mất điện 22 tỉnh, thành phía Nam, không để mất điện kéo dài, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự.

Đào tạo, huấn luyện lực lượng bảo vệ tại cơ sở

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho các công trình điện, thời gian qua, Tổng cục An ninh và công an các địa phương còn huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại các công trình điện, đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn ổn định an ninh chính trị nội bộ, trật tự an toàn đơn vị và bảo vệ tài sản cơ quan, doanh nghiệp.

Tổng cục An ninh và công an các địa phương đã đào tạo, huấn luyện lực lượng bảo vệ cho các đơn vị thuộc EVN quản lý các công trình trọng điểm - Ảnh: st

Công an các địa phương đã phối hợp với các đơn vị thuộc EVN tổ chức nhiều đợt tuần tra, bảo vệ tuyệt đối an toàn các công trình điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, đặc biệt là trong các đợt cao điểm cấp điện phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: Đại hội Đảng các cấp, các kỳ họp Quốc hội, các Hội nghị quốc tế, các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước…

Để nâng cao chất lượng của lực lượng bảo vệ chuyên trách, các đơn vị đã bố trí cho hầu hết CBCNV làm công tác bảo vệ được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ và lực lượng An ninh kinh tế Công an các địa phương tích cực tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ cho các đơn vị thuộc EVN. Hàng trăm lớp học nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức về công tác bảo vệ cho hàng nghìn nhân viên bảo vệ chuyên trách đã được tổ chức.

Đặc biệt, đối với hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, hầu hết nhân viên bảo vệ của địa phương đã được huấn luyện cơ bản về công tác bảo vệ. Hiện nay, EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang phối hợp với Cục An ninh kinh tế chuẩn bị hồ sơ đưa hệ thống truyền tải điện quốc gia vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống truyền tải điện huyết mạch của đất nước. Qua các lớp tập huấn, lực lượng bảo vệ đã được trang bị kiến thức về pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm, từ đó đã nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý các vụ việc phức tạp góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
 

Mới đây, ngày 26/6/2015, EVN và Tổng cục An ninh (TCAN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn. Tại Hội nghị, 2 đơn vị đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp mới trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm vận hành hệ thống điện an toàn và hiệu quả.

Một số nội dung trong Quy chế phối hợp giữa EVN và TCAN năm 2015:

* Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương về công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện; xây dựng và tích cực triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

2. Chủ động trao đổi với lực lượng An ninh kinh tế về chủ trương, kế hoạch, tình hình, kết quả đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng tại các dự án của ngành Điện trong và ngoài nước; quá trình hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài.

3. Thường xuyên quán triệt cho các cán bộ được giao nhiệm vụ làm việc với người nước ngoài đề cao cảnh giác, phát hiện và báo cáo kịp thời về những dấu hiệu nghi vấn như: Tác động mua chuộc, lôi kéo cán bộ để thu thập tin tức tình báo, bí mật Quốc gia; hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam và các hoạt động nghi vấn khác.

4. Thường xuyên phổ biến những quy định của Nhà nước, của ngành Công an để CBCNV thực hiện, nhất là quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”. Kiểm soát và đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ được cử đi nước ngoài công tác, học tập, đàm phán, ký kết hợp đồng…; người làm việc trong các liên doanh, văn phòng đại diện ở nước ngoài… Trước và sau khi kết thúc đợt học tập, công tác tại nước ngoài EVN kịp thời trao đổi tình hình, kết quả cho lực lượng An ninh biết để phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

5. Trong những trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an ninh, các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước khi làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài cần thông báo cho lực lượng An ninh kinh tế biết về chương trình, kế hoạch để chủ động trong công tác phối hợp, bảo vệ.

6. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các công trình trọng điểm của ngành Điện đã và đang xây dựng, các nhà máy, đường dây tải điện, cơ quan, xí nghiệp…; các nội quy, quy chế làm việc, quan hệ tiếp xúc với người nước ngoài, quy chế quản lý đoàn vào, quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước.

7. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức, xây dựng lực lượng bảo vệ tuần tra, kiểm soát theo quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ. Thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cũng như việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác, tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

8. Cán bộ, công nhân viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi phát hiện các dấu hiệu phá hoại; hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thu thập tài liệu bí mật Nhà nước; lôi kéo, kích động gây rối nội bộ hoặc gây cháy nổ; phát tán tờ rơi, khẩu hiệu, các thông tin trên mạng Internet có nội dung xấu; các dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật tại các dự án, công trình trọng điểm và đơn vị mình công tác, kịp thời báo ngay với lực lượng An ninh kinh tế để phối hợp giải quyết.

 


  • 10/08/2015 10:43
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 521585


Gửi nhận xét