4,9 tỷ m3 nước và câu chuyện ngành Điện cứu... lúa

Trong 2 tháng đầu năm 2013, 4,9 tỷ m3 nước đã được xả từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân của 12 tỉnh, thành thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Theo tính toán, với lượng nước này có thể làm ra một sản lượng điện khoảng 1 tỷ kWh.

Nước về đồng ruộng và niềm vui ngày “Hội cấy”.   Ảnh: CTV

Xả nước cứu lúa - Nguy cơ thiếu điện...

Ngay từ đầu năm 2013, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành Điện, nguy cơ hạn hán trên diện rộng dẫn đến thiếu nước cho sản xuất điện vào những tháng mùa khô là khó tránh khỏi. Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TT DBKTTV TW) cho thấy, lưu lượng dòng chảy của hệ thống các sông chính trên cả nước hầu hết đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15 – 30%, thậm chí có nơi còn thấp hơn 40 – 50%. Vì vậy, khả năng thiếu điện cục bộ tại một số tỉnh phía Nam sẽ buộc EVN phải huy động các nguồn điện có giá thành cao.

Tuy nhiên, nhận rõ việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng, góp phần đảm bảo chiến lược an ninh lương thực của đất nước, EVN đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thống nhất lịch và phương thức xả nước phục vụ sản xuất gieo trồng vụ Đông Xuân từ rất sớm. Theo đó, 3 đợt xả của EVN kéo dài 20,5 ngày đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân cũng như chính quyền địa phương các cấp. Hơn một triệu ha diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân 2013 của các tỉnh phía Bắc đã được cấp nước, kịp thời phục vụ sản xuất. Đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) – ông Đặng Duy Hiển, khẳng định: “Nguồn nước quý giá này trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ hạn hán có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản làm nên một vụ Đông Xuân thắng lợi.”

Sau khi kết thúc 3 đợt xả, mực nước ở các hồ thủy điện đã sụt giảm khá nhanh. Hồ Hòa Bình còn 14,97 m, hồ Thác Bà còn 3,09 m và hồ Tuyên Quang mức nước là 13,12 m. Hiện trạng đó cộng thêm dự báo hạn hán gay gắt sẽ xảy ra vào những tháng mùa khô sắp tới, nên nguy cơ cạn kiệt nước tại các hồ thủy điện, thậm chí xuống dưới mực “nước chết” là điều rất dễ xảy ra!

Thủy điện Sông Ba Hạ xấp xỉ mực nước chết nhưng vẫn xả nước để cứu lúa.  Ảnh: Ngọc Thọ

...và vụ mùa bội thu

Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2013, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải đối mặt với khô hạn cục bộ. Nắng nóng kéo dài, không có một giọt nước mưa, lượng nước các dòng sông ở miền Trung và Tây Nguyên đều xuống thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo Trung tâm DB KTTV TW, hạn hán có thể sẽ diễn ra trên diện rộng và còn kéo dài, làm tăng khả năng cạn kiệt các hồ chứa thủy điện, dẫn đến thiếu điện cục bộ tại các tỉnh phía Nam là rất khó tránh khỏi. Ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc EVN đã khẳng định điều này với báo giới. Tuy nhiên, ông An cũng nhấn mạnh, EVN sẽ nỗ lực cao nhất để đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống, bằng cách tăng cường các nguồn điện có giá thành cao.

Theo tính toán, nếu hạn hán kéo dài xảy ra, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh. Để bù đắp thiếu hụt, buộc EVN phải huy động các nguồn điện giá thành cao. Giá bán điện bình quân hiện nay của EVN khoảng 1.400 đồng/kWh, trong khi nếu sử dụng các nguồn điện chạy dầu, giá thành khoảng 4.400 – 4.500 đồng/kWh, thì khả năng EVN sẽ lại phải đối mặt với bài toán hiệu quả kinh doanh điện năng vô cùng căng thẳng…

Bên cạnh nỗi lo thiếu điện do hạn hán, lại là niềm vui và hy vọng về một vụ Đông Xuân bội thu. Báo cáo nhanh của Bộ NN & PTNT cho biết, với diện tích gieo cấy thuận lợi như hiện nay, nếu không có diễn biến gì bất thường, vụ Đông Xuân 2013 ở Bắc Bộ sẽ bội thu. Với sản lượng trên 60 tạ/ha, diện tích gieo cấy khoảng 1.145.000 ha, miền Bắc sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh tình hình lương thực thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Đây thực sự là một tín hiệu vui. Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của EVN. .

Mọi sự so sánh “được và mất” đều trở nên khập khiễng. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối tương quan quyền lợi quốc gia về an ninh lương thực mới thấy được trách nhiệm nặng nề của EVN. EVN đã giải quyết một cách hài hòa bài toán lợi ích giữa mục tiêu sản xuất kinh doanh điện năng với việc thực hiện nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học  Đặng Hùng Võ: Nếu muốn nhìn nhận, đánh giá EVN một  cách toàn diện, tôi nghĩ chúng ta không thể chỉ nhìn ở góc độ sản xuất, cấp điện, tăng giá… Xét về việc thực hiện nghĩa vụ đối với sản xuất nông nghiệp, thì các hồ thủy điện của EVN đã làm rất tốt công tác này. Tôi  nghĩ không ai có thể phủ nhận vai  trò của EVN đối với sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Bà Đặng Thanh Mai – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương: Theo tôi, EVN đã thực hiện rất tốt vai trò cấp nước  cho sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh nguy cơ hạn hán kéo dài như hiện nay, nguy cơ các hồ thủy điện cạn kiệt là rất lớn, nhưng EVN vẫn  cấp đủ nước cho vụ Đông Xuân, đó là một nỗ lực đáng ghi nhận.


 


  • 25/04/2013 01:01
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3360


Gửi nhận xét