5 năm: 0,79%

Giai đoạn 2011-2015, tổn thất điện năng của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã giảm 0,79%. Tuy chưa đạt chỉ tiêu, nhưng đây cũng là một con số đáng ghi nhận trong bối cảnh EVNNPT còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Phụ thuộc nhiều vào quy hoạch

Giai đoạn 2011-2015, tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện truyền tải đã giảm đáng kể, từ 3,13% năm 2010 xuống còn 2,34% năm 2015. Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc EVNNPT giảm TTĐN được 0,79% trong 5 năm là một nỗ lực rất đáng khen ngợi, nhất là trong điều kiện nhiều đường dây 500 kV, 200 kV xây dựng từ trước nay đã xuống cấp”.

Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2015 là thời kỳ khó khăn, thách thức nhất đối với EVNNPT khi triển khai các chỉ tiêu TTĐN. 5 năm qua, lưới điện truyền tải luôn vận hành trong tình trạng căng thẳng, nhiều khu vực phải vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, phụ tải khu vực phía Nam tăng mạnh so với nguồn, nên đường dây 500 kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải điện từ Bắc vào Nam với công suất cao. 

EVNNPT đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải nhằm giảm tổn thất điện năng hiệu quả

Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực cho hay: “TTĐN trên lưới truyền tải phụ thuộc nhiều vào khâu quy hoạch, nếu đảm bảo được cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ của từng khu vực phụ tải lớn, không mang điện từ khu vực này sang khu vực khác, tổn thất sẽ thấp. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, phụ tải ở miền Nam phát triển mạnh hơn so với nguồn cung, do vậy vẫn phải đưa điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với công suất lớn dẫn đến tổn thất cao”. 

Đó là chưa kể, nhiều công trình đã vận hành liên tục trên 20 năm, đến nay đã xuống cấp, như: TBA 500 kV Hà Tĩnh, Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1; thiết bị trong các trạm biến áp không đồng bộ, do nhiều hãng chế tạo, dẫn đến khó khăn trong vận hành, bảo dưỡng, sữa chữa... 

Tuy chưa đạt kế hoạch EVN giao, nhưng giai đoạn 2011-2015, TTĐN trên lưới truyền tải đã giảm đáng kể. Hơn thế, việc truyền tải công suất cao trên đường dây 500 kV Bắc - Nam tuy làm tăng tổn thất nhưng đã tạo điều kiện huy động hiệu quả các nguồn điện giá rẻ từ miền Bắc, đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung và trong sản xuất - kinh doanh chung của EVN nói riêng.

Gỡ khó từng khâu

GS. Viện sĩ Trần Đình Long cho biết, để giảm TTĐN trên lưới truyền tải, cần phải đảm bảo nguyên lý cân bằng trong quy hoạch điện. Phải đánh giá đúng nhu cầu của từng khu vực, để có quy hoạch phát triển nguồn/lưới phù hợp, hạn chế tình trạng truyền tải cao từ khu vực này sang khu vực khác. Và trong những năm qua, ngành Điện nói chung, EVNNPT nói riêng đã có những bước tiến trong quy hoạch và quản lý, đặc biệt là đầu tư, xây dựng nhiều đường dây, trạm biến áp 500 kV, 200 kV, từng bước giải quyết tình trạng quá tải trên lưới điện.

Trong 5 năm, EVNNPT đã hoàn thành và đưa vào vận hành 213 công trình 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây 8.105 km, tổng dung lượng các máy biến áp đạt 28.426 MVA. Đặc biệt, giai đoạn đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của EVNPT trong việc nâng cao năng lực truyền tải, với hàng loạt dự án trọng điểm. Trong đó, đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông hoàn thành vào năm 2014 không chỉ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam và tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, thông suốt mà còn tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Hay việc nâng cấp, cải tạo cơ bản hệ thống các giàn tụ bù dọc trên toàn bộ tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam từ 1000A lên 2000A cũng đã tăng cường khả năng truyền tải điện từ Bắc vào Nam, vừa nâng cao năng lực truyền tải điện cho miền Nam vừa giảm TTĐN trên lưới...

Không chỉ có vậy, hàng loạt công trình lưới điện trọng điểm đấu nối với các nguồn điện được đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, cũng đã góp phần phát huy hiệu quả vận hành của các nhà máy điện như Sơn Lai, Lai Châu, Huội Quảng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1..., nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Xác định sự cố cũng là một trong những nguyên nhân gây TTĐN cao trên lưới truyền tải, những năm qua, EVNNPT đã tăng cường công tác sữa chữa lớn, theo dõi vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, sự cố, hiện tượng bất thường trên lưới. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng công ty hết sức coi trọng việc phân tích, mổ xẻ tìm nguyên nhân xảy ra các sự cố, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, mang lại hiệu quả cao trong vận hành lưới điện... Nhờ đó, các sự cố về trạm và trên đường dây hàng năm đều giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2011-2015, ngoài trừ sự cố đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định ngày 22/5/2013 gây mất điện do  khách quan, còn về cơ bản, lưới truyền tải đều vận hành an toàn, ổn định, góp phần giảm TTĐN.

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng với những gì đã làm được trong giai đoạn 2011-2015, hy vọng, EVNNPT sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm TTĐN trong năm 2016 và những năm tiếp theo. 

TTĐN trên lưới điện truyền tải giai đoạn 2010-2015:

Năm

Tỉ lệ TTĐN (%)

2010

3,13

2011

2,56

2012

2,33

2013

2,69

2014

2,49

2015

2,34

 


  • 03/06/2016 02:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5789