Ông Đỗ Văn Hờn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, năm 2013, PC Bình Phước đầu tư xây dựng TBA tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do vướng mắc vì mặt bằng đang trồng cây cao su, nên phải mất hơn một năm TBA mới hoàn thành, đóng điện.
“Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng tại những nơi trồng cây cao su ở Bình Phước. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn cây cao su đang vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện” - ông Đỗ Văn Hờn cho biết.
Thời gian qua, PC Bình Phước đã tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp có nguy cơ gây ra sự cố lưới điện như, trụ điện bị nghiêng, dây điện hạ thế của khách hàng bị tróc vỏ gây chạm chập; cây xanh, biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten… có nguy cơ va quệt vào lưới điện.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vùng trồng cây cao su còn phổ biến tại Bình Phước
|
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ đã quy định rõ khoảng cách an toàn của cây cối trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên, cây cao su là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân tỉnh Bình Phước. Vì vậy, hầu hết các hộ dân chỉ đồng ý cho ngành Điện phát quang nhánh cao su nhỏ. Vào mùa mưa, cây cao su lại có tốc độ phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã, đổ vào lưới điện, từ đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Công ty Điện lực Bình Phước trong công tác đảm bảo hành lang an toàn, giảm sự cố lưới điện, tai nạn điện trong nhân dân và tổn thất điện năng.
Đến cuối tháng 6/2016, tỉnh Bình Phước vẫn còn 2.797 cây trong hành lang an toàn lưới điện cao áp; 157.215 cây ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhưng có nguy cơ đổ vào lưới điện.
Theo ông Đỗ Văn Hờn, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, hiệu quả, rất cần các cấp chính quyền địa phương chung sức với ngành Điện quan tâm đến công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; cùng ngành Điện vận động nhân dân chặt hạ cây xanh, tháo dỡ các công trình (nhà ở, biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten…) có nguy cơ đổ vào lưới điện.
Một số giải pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp của PC Bình Phước:
- Thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp cấp tỉnh, 11 Hội đồng xử lý vi phạm ở tất cả các huyện (thị xã) và 111 tổ xử lý vi phạm ở tất cả các phường, thị trấn;
- Tuyên truyền các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân trên loa phát thanh 1 lần/tuần, thời lượng 15 phút;
- Lắp đặt 40 pa no, phát 15.000 sổ tay và 25.000 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và sử dụng điện tiết kiệm;
- Phát video clip tuyên tuyền tại phòng giao dịch khách hàng của các Điện lực…
5 tháng đầu năm 2016, PC Bình Phước đã:
- Phát quang 927 km đường dây trung áp, 301 km đường đây hạ áp;
- Vận động nhân dân tự nguyện chặt bỏ 4.166 cây cao su có nguy cơ đổ vào lưới điện.
|