Lỗi tại cái đồng hồ điện?
Cô Bùi Thu quê ở Hải Phòng, vừa lập gia đình và đang làm cho một công ty truyền thông tại quận 1. Được bạn bè giới thiệu, cô đến một khu nhà trọ tại phường Bình Trưng Đông (quận 2) để hỏi thuê phòng trọ. Khu nhà trọ này có các phòng trọ khá khang trang, giá thuê 1,8 triệu đồng/tháng, rất phù hợp cho đôi vợ chồng trẻ. Cô ưng ý ngay và gặp chủ để đặt cọc, chọn ngày dọn vào ở.
“Riêng khoản tiền điện, bà chủ nói đồng hồ là do tôi mua và lắp cho từng phòng, nếu cô không đồng ý có thể tự mua đồng hồ khác về lắp, rồi từ từ tôi sẽ đăng ký để cô hưởng giá điện chính thức”. Vậy mà lần lữa mấy tháng vẫn phải trả tiền điện giá cao, cô Thu nhắc khéo, nhưng bà chủ nhà trọ cứ ậm ừ rồi thôi.
Phòng cô Thu ở sử dụng có 3 bóng đèn led, 1 một nồi cơm điện, 1 tủ lạnh, vợ chồng đi làm suốt ngày, chỉ chiều tối mới về, nhưng tiền điện tháng nào cũng khoảng 500.000 đồng. Biết là giá cao nhưng cô vẫn đành trả vì đồng hồ chạy vậy thì phải chịu, nếu không chịu thì phải dọn đi, mà nơi khác chưa chắc đã tốt hơn chỗ này.
Anh Dũng quê ở Hậu Giang, dắt díu cả nhà 4 người lên TP.HCM kiếm sống, thuê một phòng trọ ở đường Tân Hòa Đông (quận 6). Anh kể: “Nghe nói người thuê trọ tại nhà trọ ở TP.HCM được xài điện giá chính thức, nhưng thực tế chủ nhà tính giá điện 3.500 đồng/kWh. Mỗi tháng em trả khoảng 400.000 đồng tiền điện, nhưng thôi kệ, thắc mắc phiền phức lắm”.
Tương tự, anh Trịnh Phương quê ở huyện Củ Chi (TP.HCM), đang làm việc cho một công ty kinh doanh máy tính ở quận 1. Thuê phòng trọ bên Kho 18 (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7), anh Phương cho biết vẫn phải trả tiền điện giá 3.500 đồng/kWh, nhưng do đi làm suốt ngày, lại độc thân, cơm hàng cháo chợ, mỗi tháng tiền điện cũng chỉ khoảng 100.000 đồng, nên “không quan tâm lắm chuyện giá điện”.
Ngành Điện lực TP.HCM đang chú trọng tuyên truyền, vận động để người thuê trọ được sử dụng điện giá chính thức. Ông Trương Hoàng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Tân Thuận, cho biết: “Công ty chúng tôi đã kết hợp với ban quản lý các khu chế xuất, các phường thuộc địa bàn quận 4 và quận 7 để tuyên truyền cho công nhân biết về chủ trương cho người thuê trọ được sử dụng điện giá chính thức, nếu chủ trọ thu giá cao thì nên báo cho chính quyền địa phương hoặc ngành điện lực để xử lý. Không chỉ vậy, nhiều phường có tổ chức câu lạc bộ chủ nhà trọ đã vận động chủ trọ đăng ký định mức sử dụng điện để người thuê được sử dụng điện giá chính thức. Có một thực tế, dù chủ trương kêu gọi người thuê trọ phản ánh khi bị thu tiền điện giá cao nhưng gần như không có ai thực hiện, vì ai cũng hiểu phản ánh xong thì tháng sau chắc phải… dọn đi chỗ khác”.
Người thuê trọ ký hợp đồng trực tiếp với ngành Điện
Nhiều chủ nhà trọ không quan tâm chuyện đăng ký định mức điện để người thuê trọ được hưởng giá điện chính thức; hóa đơn điện lực thu bao nhiêu tiền thì cứ chia đều các hộ thuê trọ. Địa bàn quận 4 và quận 7 có đến 3.500 nhà trọ, với tổng cộng 25.840 phòng. Công ty Điện lực Tân Thuận đã vận động các chủ nhà trọ bảo lãnh để người thuê trọ được ký hợp đồng mua điện trực tiếp với ngành điện. Tính đến nay, đã có hơn 3.000 phòng trọ được gắn điện kế với giá chính thức.
Ông Vũ Văn Quang, chủ nhà trọ ở số 195/18 Tôn Thất Thuyết (quận 4), có 5 phòng trọ, chỉ những điện kế vừa được gắn hôm trước Tết Mậu Tuất, cho hay: “Tôi đăng ký định mức điện xong, chỉ vài ngày sau nhân viên điện lực đã xuống kéo dây, gắn điện kế liền. Trước đây, mỗi tháng tôi phải ghi chỉ số, ngồi tính toán tiền điện từng phòng, mệt lắm. Bây giờ phòng nào xài nhiều hay ít, họ tự trả tiền cho bên điện lực, mình khỏi lo”.
Ông Trần Long Sang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, cho biết: “Công tác tuyên truyền để người thuê trọ được hưởng giá điện chính thức được Công ty Điện lực Thủ Thiêm phối hợp rất tốt với địa phương. Tuy nhiên, do biến động về lượng người thuê trọ nên Công ty phải liên tục cập nhật số nhà trọ và phòng trọ tại địa bàn quận 2 và quận 9. Tính đến cuối tháng 2/2018, Công ty quản lý khu vực có 4.360 nhà trọ với tổng cộng 35.835 phòng. Từ cập nhật số liệu liên tục, ngành Điện tiếp tục vận động chủ trọ đăng ký định mức, hoặc bảo lãnh để người thuê trọ ký hợp đồng mua điện trực tiếp với ngành điện. Đối với chủ nhà trọ không đăng ký định mức thì áp giá bậc 3 (1.786 đồng/kWh), nếu tính thêm thuế VAT, tổn thất điện trên đường dây, giá thu người thuê trọ khoảng 2.500 đồng/kWh”.
Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM ghi nhận, cuối năm 2017 trên địa bàn TP.HCM có 1.468.616 người thuê trọ được mua điện giá chính thức; đến cuối tháng 2/2018, con số này là 1.473.296 người (tăng 4.680 người).