Bàn giải pháp đảm bảo tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn

Được khởi công từ cuối tháng 11/2012, tính đến nay Dự án Thủy điện Trung Sơn được giới chuyên môn đánh giá đang thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm tốt về mặt kỹ thuật cũng như không gây ra các tác động môi trường. Tuy nhiên, phía trước chủ đầu tư vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo tiến độ cho Dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 410 triệu USD, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD và vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 80 triệu USD. Theo dự kiến, Dự án hoàn thành vào tháng 8/2017, đây cũng là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được WB tài trợ.

Bà Victoria Kwa Kwa làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn - Ảnh CTV

Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 – Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Trung Sơn đưa ra những khó khăn có thể ảnh hướng đến Dự án: Nếu tuyến đường Tây Thanh Hóa (gồm cầu Tà Bán, cầu Suối Quanh, 3 cầu trung và một số đoạn tuyến) không hoàn thành trước ngày 31/5/2015 thì sẽ tác động trực tiếp tới tiến độ đầu tư của Dự án. Cụ thể là sẽ ảnh hưởng tới việc thi công công trình chính do không thể vận chuyển vật liệu từ mỏ đá về công trình đầu mối phục vụ thi công. Điều này đồng nghĩa với việc không có vật liệu để thi công cho khoảng 600.000 m3 bê tông đầm lăn trong giai đoạn từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2016.

Cùng với đó công tác di dân, tái định cư tại các điểm 1,2,3 và 4 sẽ không thể hoàn thành, vì các điểm tái cư này sẽ bị chia cắt bởi cầu Tà Bán, cầu Suối Quanh.

Ngoài ra, nếu đường Tây Thanh Hóa không đáp ứng được mốc tiến độ hoàn thành trước 31/5/2015, còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của Dự án. Bởi tính sơ bộ theo sản lượng điện mỗi năm là 1,018 tỷ kWh, thì nếu chậm 1 năm, dự án có khả năng thất thu từ doanh thu bán điện khoảng 1.000 tỷ đồng, cùng với gánh nặng trả vốn gốc cộng lãi vay cho WB.

Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: Dự án đường Tây Thanh Hóa được Bộ GTVT phê duyệt và chuyển cho UBND tỉnh tiếp nhận quản lý từ năm 2006. Đây dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong quá trình triển khai Dự án Thủy điện Trung Sơn, cao trình tích nước hồ Thủy điện Trung Sơn đã làm đoạn tuyến Km0-Km28 của dự án đường Tây Thanh Hóa bị ngập so với dự án đầu tư phê duyệt từ trước đó. Sau khi điều chỉnh đoạn tuyến trên, giá nguyên vật liệu, nhân công còn thiếu hiện là 578,2 tỷ đồng (tương đương khoảng 26 triệu USD).

Việc chậm bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để triển khai dự án đường Tây Thanh Hóa đã trở thành vướng mắc chung của hai dự án. UBND tỉnh Thanh Hóa và EVN nhiều lần có công văn gửi các bộ, ngành ban chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam mới đây, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho rằng, với phương án tạm ứng vốn của EVN để tỉnh Thanh Hóa đầu tư là rất khó khăn, không mang tính khả thi cho EVN vì EVN hiện cũng phải đi vay vốn để đầu tư cho các dự án của mình cũng như các dự án khác mà Chính phủ giao. Bà Victoria Kwa Kwa – Giám đốc WB tại Việt Nam đã đưa ra hai phương án được cho là nhằm tháo gỡ “nút thắt tiến độ” dự án. Thứ nhất, đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét bố trí nguồn vốn 26 triệu USD, thực hiện 5 gói thầu trên của dự án đường Tây Thanh Hóa từ khoản vốn vay 200 triệu USD mà Chính phủ Việt Nam và WB đã ký kết mới đây. Thứ 2, phía WB cấp vốn vay bổ sung để thực hiện các hạng mục liên quan. Tuy nhiên, bà Victoria Kwa Kwa cho rằng, phương án đề nghị Chính phủ phân bổ cho ứng tạm nguồn vốn vay đã đạt được là khả thi nhất, bởi nếu thực hiện theo phương án còn lại thì phải thực hiện qua rất nhiều quy trình và tốn mất nhiều thời gian của các bên liên quan.

Sau khi thảo luận các phương án do đại diện WB tại Việt Nam đưa ra, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhất trí phối hợp với EVN báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện nhanh chóng bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đường Tây Thanh Hóa để tháo gỡ nút thắt về tiến độ cho dự án thủy điện Trung Sơn.

Với sự tin tưởng vào việc xây dựng một dự án kiểu mẫu, bà Victoria Kwa Kwa nhấn mạnh, khi xây dựng dự án này, phía WB đã đặt ra một số mục tiêu làm quy chuẩn cho các dự án sử dụng nguồn vốn vay do WB tài trợ tại Việt Nam. Tính kiểu mẫu của dự án được thể hiện ở tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng dự án; đảm bảo an toàn hồ đập và giảm thiểu tối đa các tác động môi trường và xã hội. "Do đó, phải khẩn trương tháo gỡ nút thắt của dự án này”, bà Kwa Kwa nói.

 


  • 29/07/2014 11:22
  • Theo báo Đầu tư
  • 3440


Gửi nhận xét