Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin: Mỹ quan đô thị từ bài học xã hội hóa

Thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện của Thành phố Hồ Chí Minh (TP), từ năm 2003 - 2005, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã tiến hành thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường như Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi. Việc làm này được dư luận đánh giá cao, song do chỉ ngầm hóa lưới điện, chưa ngầm hóa được dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng “mạng nhện” vẫn ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan TP.

Hầm cáp ngầm kết hợp dây điện lực và dây thông tin

Bài học về xã hội hóa

Trong hai năm 2009 - 2010, tổng công ty đã tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa thí điểm lưới điện kết hợp dây thông tin tại một số khu vực trung tâm TP như khu vực xung quanh Hội trường thành phố, chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Hiệu ứng rõ rệt: Việc cung ứng điện an toàn hơn, không gian thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị.

Từ thành quả ban đầu này, ngành điện lực đã triển khai xây dựng đề án “Ngầm hóa lưới điện TPHCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” và được TP phê duyệt. Theo đó, đến năm 2015, tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế trên các tuyến đường và các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch; năm 2020 cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành; đến năm 2025 cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi toàn TP.

Tính đến nay, toàn TP đạt tỷ lệ ngầm hóa tăng từ 25% lên 28% lưới điện trung thế và tăng từ 8% lên 10,6% lưới điện hạ thế. Khối lượng lưới điện đã ngầm hóa giai đoạn 2011-2013 đạt 57,5km lưới trung thế, 97,3km lưới hạ thế và 2,7km lưới 110kV. Nhiều khu vực đạt tỷ lệ ngầm hóa cao như quận 1, 3 đạt 82%; quận 5 (75%); quận 10, 11 (57%); Phú Nhuận (60%)... Trong 31 dự án ngầm hóa đã thực hiện từ năm 2011 đến 2013, hiện còn 3 dự án chưa thu hồi được trụ điện do còn chờ các đơn vị viễn thông hoàn tất hạ ngầm dây thông tin.

Dự kiến các đơn vị viễn thông hoàn tất ngầm hóa cáp thông tin để ngành điện lực thu hồi trụ trong tháng 6-2014. Trong năm 2014 - 2015, ngành điện lực tiếp tục triển khai thực hiện 126 công trình ngầm hóa và dự kiến đến cuối 2015 thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (445/400km trung thế; 691/500km hạ thế; 11,7/9km cáp ngầm 110kV).

Để đảm bảo huy động và tận dụng tối đa các nguồn vốn cho các dự án ngầm hóa, ngoài nguồn vốn kích cầu, TP đã huy động được sự tham gia đầu tư của nhiều đơn vị. Đi đầu là Công ty Tradincorp tham gia đầu tư hệ thống hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT, SCVT cũng đã vào cuộc để ngầm hóa dây thông tin đồng bộ với kế hoạch ngầm hóa lưới điện giai đoạn đến 2015.

Việc phối hợp giữa các doanh nghiệp đã góp phần hạn chế tình trạng “đào - lấp” nhiều lần khiến dư luận bức xúc. Ban chỉ đạo ngầm hóa cũng yêu cầu các công ty điện lực thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác thực hiện các dự án ngầm hóa lưới điện cấp cơ sở và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tham vấn cộng đồng người dân trong phạm vi dự án ngầm hóa.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy đạt được nhiều hiệu quả song nhìn chung tiến độ thực hiện ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2012 - 2013 vừa qua vẫn còn chậm so với mục tiêu kế hoạch đề ra đến 2015. Thủ tục là bước cản đầu tiên. Hành lang bố trí công trình ngầm hóa thường đi qua nhiều tuyến đường, bao gồm cả dưới lòng đường và trên vỉa hè nên phải gửi nhiều hồ sơ thỏa thuận tuyến, vị trí trồng trụ, lắp đặt thiết bị đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau theo phân cấp như: Sở GTVT, Khu quản lý giao thông đô thị, các quận huyện.

Khi ngầm hóa đòi hỏi phải tái bố trí và lắp đặt các thiết bị điện xuống vỉa hè nhưng gặp nhiều phản đối từ phía người dân do ngành giao thông yêu cầu phải lắp đặt các thiết bị này vào sát nhà dân với lý do an toàn giao thông.

Chưa kể, khi xin giấy phép đào đường thi công, Sở GTVT chỉ cấp theo từng đợt với thời hạn 21 ngày, làm chậm tiến độ dự án do việc phát sinh gia hạn giấy phép đào đường nhiều lần. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với việc đầu tư hệ thống mương để lắp đặt cáp điện lực vẫn chưa kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia đầu tư do chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa, tạo mỹ quan đô thị, thiết nghĩ, TP nên giao Sở GTVT làm đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo cơ chế một cửa trong công tác thỏa thuận tuyến, vị trí trồng trụ, lắp đặt thiết bị, cấp phép thi công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ thực hiện. TP cần ban hành các chính sách hỗ trợ để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hoặc triển khai hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) trong việc đầu tư hệ thống mương, hào kỹ thuật để cho thuê bố trí ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin.

Việc giao chỉ tiêu khối lượng ngầm hóa dây thông tin hàng năm cho các doanh nghiệp viễn thông để các đơn vị này có kế hoạch huy động vốn và tập trung thực hiện đồng bộ với công tác ngầm hóa cũng là điều cần suy nghĩ nhằm giảm áp lực vốn đối với TP.


  • 09/07/2014 08:51
  • Theo Sài gòn giải phóng
  • 4628


Gửi nhận xét