Báo cáo tình hình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014

Hiện nay, hầu hết các vùng trên cả nước đã và đang thực hiện gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2013-2014, trong đó đáng chú ý là khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hiện đang đồng loạt bắt đầu gieo cấy theo kỳ Xuân muộn. Tổng cục Thủy lợi xin báo cáo một số nội dung liên quan đến cấp nước, xâm nhập mặn ở một số khu vực như sau:

I. CẤP NƯỚC PHỤC VỤ GIEO CẤY LÚA ĐÔNG XUÂN 2013-2014 KHU VỰC TRUNG DU VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Vụ Đông Xuân 2013-2014, toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy 636.014 ha lúa. Để phục vụ nước cho làm đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 03 đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để bổ sung nước cho hạ du. Tính đến thời điểm này, đã tiến hành 02 đợt xả, tổng cộng 10 ngày (Đợt 1: từ ngày 14-18/1/2014; Đợt 2: từ ngày 25-29/1/2014), Đợt 3 sẽ thực hiện từ ngày 8-16/2/2014. Tình hình cụ thể về nguồn nước và lấy nước của các địa phương như sau:

1. Tình hình nguồn nước:

Để bảo đảm mực nước sông Hồng theo đúng yêu cầu đã thống nhất, không thấp hơn 2,20 m tại trạm thủy văn Hà Nội, các hồ chứa thủy điện đã tăng cường lượng xả qua phát điện trước ngày lấy nước khoảng 2-3 ngày. Thực tế, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã được duy trì ở mức trung bình toàn Đợt 1 là 2,32m, Đợt 2 là 2,47m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong Đợt 1 là 1,38 tỷ m3, Đợt 2 là 1,82 tỷ m3 nước; tổng cộng cả 2 Đợt là 3,20 tỷ m3 nước.

Nhìn chung, dòng chảy hệ thống sông Hồng đã được duy trì ở mức tương đối cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết các địa phương lấy nước. Trong Đợt 1, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, là các khu vực gặp khó khăn về nguồn nước do các trạm bơm tưới chính đều nằm sâu trong nội địa. Đến Đợt 2, do mực nước sông Hồng được duy trì ở mức cao hơn, hầu hết các khu vực gặp khó khăn về nguồn trong Đợt 1 đã được cải thiện, trừ khu vực Bắc Đuống (tỉnh Bắc Ninh) vẫn không được cải thiện nhiều, theo đánh giá ban đầu có thể do kênh dẫn Long Tửu (từ cống Long Tửu đến trạm bơm Trịnh Xá, dài khoảng 12 km) chưa thực sự thông thoáng.

2. Tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương

Tính đến ngày 7/2/2014 (trước Đợt 3 lấy nước), diện tích có nước để làm đất của toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 506.119 ha, chiếm 79,60% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, các tỉnh có diện tích đủ nước cao là Hải Phòng (94,11%), Nam Định (93,54%), Phú Thọ (92,13%), Ninh Bình (93,27%), Thái Bình (94,98%); các tỉnh có diện tích đủ nước thấp là Bắc Ninh (58,87%), Hà Nội (65,52%), Hưng Yên (75,71%), Vĩnh Phúc (63,57%).

Đánh giá chung công tác lấy nước, các địa phương đều tích cực tranh thủ nguồn nước được bổ sung tương đối dồi dào từ các hồ chứa thủy điện để lấy nước đổ ải; các địa phương có tốc độ lấy nước chậm là Bắc Ninh, Hà Nội.

3. Công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành

-  Trước các đợt xả nước, Tổng cục Thủy lợi có các Công điện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, các công ty Khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước; trong đó, lưu ý các vấn đề để thúc đẩy nhanh tiến độ lấy nước.

-  Trong thời lấy nước của các đợt xả, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và các cơ quan truyên (VTV, VOV, Báo Nông nghiệp Việt Nam…) trong việc cung cấp thông tin điều hành xả nước, lấy nước và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường việc tập trung lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác lấy nước tại một số địa phương.

II. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đầu mùa khô năm 2014, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,1-0,2m, đến giữa và cuối mùa có khả năng cao hơn TBNN khoảng 0,25-0,35m.

Về tình hình xâm nhập mặn, theo số liệu đo đạc của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tại các điểm đo đạc trên sông Vàm Cỏ, sông Tiền và Sông Hậu, độ mặn đều ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2013 và đang diễn biến thuộc những năm bình thường. Tuy nhiên, theo dự báo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ở các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014 trong thời gian hiện này trọng tâm là khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Để thúc đẩy tiến độ lấy nước của các địa phương, Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhập thông tin liên tục và tháo gỡ nhanh khó khăn cho các địa phương để thúc đẩy tiến độ lấy nước, phấn đấu hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước để rút ngắn thời gian xả nước. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền rộng rãi, vận động nhân dân quản lý chặt chẽ nguồn nước trên rộng, tránh rõ rỉ, thất thoát để bảo đảm mục tiêu tiết kiệm nước.

Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời cảnh báo cho các địa phương chủ động trong việc sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Cong dien xa nuoc Dot 3.pdf


  • 07/02/2014 04:18
  • Theo Tổng cục Thủy lợi
  • 4282


Gửi nhận xét