Theo đó, việc thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân gồm các bước: Thiết kế cơ sở; thiết kế kỹ thuật; thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế do nhà thầu trình chủ đầu tư xem xét, phê duyệt.
Thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt - Ảnh: H. Hiếu
|
Trong nội dung thiết kế cơ sở cần nêu rõ phương án cung cấp nhiên liệu và quản lý, lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng; phương án đấu nối với hệ thống điện Quốc gia; phương án cung cấp nước kỹ thuật và nước làm mát, khối lượng xây dựng và lắp đặt chủ yếu, phương án tổ chức xây dựng sơ bộ...
Thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với thiết kế cơ sở, trong đó có thuyết minh chung mô tả địa điểm xây dựng, công suất nhà máy, công nghệ được lựa chọn... Đồng thời, phải nêu rõ các yêu cầu thiết kế kỹ thuật đối với các thiết bị chính (lò phản ứng; turbin, máy phát); các hệ thống chính (hệ thống cung cấp hơi chính; các hệ thống đảm bảo an toàn; hệ thống quản lý và lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng; hệ thống xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ; hệ thống điện; hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ; hệ thống thông gió và điều hòa không khí và các hệ thống đồng bộ khác); các yêu cầu về an toàn; các yêu cầu thiết kế kiến trúc, kết cấu...
Còn Thiết kế bản vẽ thi công do nhà thầu thực hiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đảm bảo phù hợp với Thiết kế kỹ thuật được duyệt, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng và đảm bảo các quy định về an toàn, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân được thay đổi, điều chỉnh khi có yêu cầu phải thay đổi hoặc trong quá trình thi công cần phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế để đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư của dự án.
Trường hợp điều chỉnh làm thay đổi thiết kế kỹ thuật thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2013.