Theo đó, trước thông tin cho rằng, EVN và các chủ đầu tư xây dựng thủy điện chưa đóng hàng trăm tỉ đồng phí sử dụng môi trường, cùng với con số hàng ngàn ha rừng chuyển đổi sang làm thủy điện không được trồng hoàn lại, nhưng cũng không chịu nộp tiền về quỹ, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), giải thích EVN đã hoàn trả hết nợ, các doanh nghiệp khác thuộc quản lý của địa phương.
“Năm 2012, Bộ Công Thương cũng nhận được công văn từ Bộ NN&PTNT liên quan đến con số nợ đọng 300 tỷ phí sử dụng môi trường rừng của EVN và nhiều chủ đầu tư xây dựng thủy điện khác. Sau khi nhận được công văn, Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành đã chỉ đạo EVN phải hoàn trả số tiền này cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Theo báo cáo từ 9/1/2013, EVN đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương hoàn trả toàn bộ số tiền nợ đọng năm 2011 - 2012, đồng thời cũng cam kết sẽ thực hiện nghiêm chi phí phát sinh nếu có theo đúng hợp đồng”, ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, dù Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thực hiện ngay trách nhiệm của mình, tuy nhiên, việc hối thúc, truy thu các chủ đầu tư khác là trách nhiệm của địa phương.
“Những doanh nghiệp này do địa phương cấp phép và quản lý thì địa phương phải có trách nhiệm yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả theo đúng quy định”, ông Phúc nói.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng nói thêm, Nghị định 99/2010/NĐ-CP quy định các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp làm thủy điện sẽ phải trả phí sử dụng môi trường rừng. Số tiền này một mặt nhằm để cải tạo, bảo vệ môi trường đồng thời cũng phục vụ mục đích xóa đói giảm nghèo.
Với trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Phong khẳng định: “Tất cả các địa phương có các dự án thủy điện lớn, hàng năm đều thu được hàng trăm tỉ đồng phí sử dụng môi trường rừng từ các dự án thủy điện. Những địa phương có thủy điện vừa và nhỏ như Sơn La, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng thu được hàng chục tỉ đồng. Số tiền này đều nộp về quỹ phát triển rừng của địa phương”.
Ông Phong cho rằng nhiều doanh nghiệp không nộp tiền phí môi trường là không đúng. Theo ông, chỉ có một số ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên khất nợ.
Tuy nhiên năm 2013 Bộ Công Thương đã ban hành quy định áp dụng với các thủy điện vừa và nhỏ. Theo đó, sẽ cộng phí bảo vệ môi trường rừng 20 đồng/kWh.
“Nghĩa là các chủ đầu tư đều có nguồn thu để trả nợ. Bộ Công Thương đã tính chi phí này vào trong giá điện, vậy thì không có lý do gì chủ đầu tư không nộp”, ông Phong khẳng định.