Các đơn vị ngành Điện ứng trực 24/24h để chống bão số 2

Mặc dù bão số 2 đã đi chệch hướng lên Trung Quốc và nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp, các địa phương cũng như các đơn vị ngành Điện vẫn phải theo dõi sát sao để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra - Bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.v

Bà Mai cho biết, mặc dù có nhiều khả năng bão số 2 sẽ không còn ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... như dự báo lúc đầu, nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp vẫn rất khó lường.

Hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của bão số 2 trong 12 - 24h tới - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Từ 11h đến 14h ngày 19/7/2014, bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 8, … Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 44mm; Móng Cái: 109mm; Cửa Ông: 40mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 65mm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 – 11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và Hải Phòng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Để đảm bảo hệ thống điện cả nước được vận hành ổn định, sẵn  sàng đối phó với các tình huống xấu, từ sáng nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện trực 24/24h giờ. Đặc biệt, công ty Điện lực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn... đã ứng trực từ đêm 18/7, chuẩn bị đầy đủ vật tư trang thiết bị và con người, trực lãnh đạo luân phiên để có những phương án ứng phó bất kỳ lúc nào nếu có ảnh hưởng bão đến hệ thống điện.

Tại Hà Nội, trước dự báo ảnh hưởng của bão có thể gây mưa to, gió lớn ảnh hưởng đến hệ thống cột và dây điện, ngay từ sáng sớm 19/7, các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã nâng mức báo động lên cấp 2. Theo đó, tổ chức trực phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ với tinh thần sẵn sàng huy động được ngay khi có lệnh.

Còn đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), ông Vũ Ngọc Minh – Phó Tổng giám đốc, cho biết: Mọi phương án đã được Tổng công ty lên kế hoạch sớm để các đơn vị triển khai chống bão. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC 1) cũng đang trực gần như 100% để đề phòng ảnh hưởng của bão đối với hệ thống lưới truyền tải điện tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bão. “Chủ động phòng chống là phương án tối ưu để giảm thiểu thiệt hại của bão” – ông Phạm Lê Phú – giám đốc PTC1 khẳng định.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đến 10 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 103,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).


  • 19/07/2014 12:22
  • Vĩnh Long (Tổng hợp nhanh)
  • 2835


Gửi nhận xét