Từ ngày 30/10 đến ngày 7/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu bão số 12, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên đã xảy ra liên tiếp 2 đợt mưa lớn. Đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định ở mức trên báo động 3 từ 0,5 - 1,5 mét. Đặc biệt, trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế), sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) và sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ thấp hơn mực nước lũ lịch sử (năm 1999) từ 0,1 - 0,3 mét.
“Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã yêu cầu các hồ chứa thủy điện trong khu vực chủ động xả điều tiết, tạo dung tích đón lũ. Do đó, nhiều hồ thủy điện đạt dung tích 50 - 70% so với thiết kế trước lũ” - ông Hoài cho biết. Trong thời gian nước lũ lên (các ngày 6 - 7/11), mực nước các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt 80 - 90% dung tích thiết kế; khu vực Nam Trung Bộ đạt 65 - 90% dung tích thiết kế.
Cũng theo ông Hoài, trên lưu vực sông Hương, các hồ thủy điện đã cắt được 330 triệu m3, chiếm 14% so với tổng lượng nước về; sông Ba là 479 m3, chiếm 18% tổng lượng nước về; sông Kôn – Hà Thanh cắt được 154 triệu m3, chiếm 14% tổng lượng nước về; sông Vu Gia – Thu Bồn cắt được 522 triệu m3, chiếm 9% tổng lượng nước về.
Để vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc điều hành hồ chứa; đồng thời giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu, tính toán để tham mưu điều hành 7 liên hồ chứa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đảm bảo các hồ vận hành an toàn sau lũ.
"Thời điểm này, hầu hết các hồ đã đạt mực nước dâng bình thường, lưu lượng xả về hạ du đã giảm” - ông Hoài thông tin thêm.
Hiện, đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, khả năng sẽ mạnh lên thành bão khi vào gần quần đảo Hoàng Sa. Trong "kịch bản xấu", Việt Nam có thể phải hứng chịu bão số 13 vào khoảng ngày 14-15/11. Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các hồ thủy lợi, thủy điện không được phép chủ quan trong công tác vận hành.