Cách mạng công nghệ 'đòn bẩy' cho ngành Điện

Trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0, ngành, lĩnh vực nào bắt nhịp nhanh thì sẽ chiếm lĩnh, làm chủ và vươn lên vị trí dẫn đầu. Không ngoài xu thế đó, với sự đầu tư tương đối toàn diện từ hạ tầng tới triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động, ngành Điện mong muốn mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện đồng bộ, hướng tới xây dựng hệ thống lưới điện thông minh.

“Đại sứ” thời công nghệ số

Ở độ cao hàng chục mét, các thành viên đội sửa chữa nóng lưới điện - hotline Bình Phước đang tập trung cao độ thực hiện lắp đà, đấu nối công trình phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Điều đặc biệt là công việc này diễn ra trên đường dây đang mang điện, hay còn gọi là “điện sống”. Vì vậy, mọi thao tác của các anh đều phải chính xác và chuyên nghiệp.

Trước đây, để thực hiện lắp đà, đấu nối công trình đều phải ngắt điện 2-3 giờ, phạm vi bị ngắt điện khoảng 7-10km, kể cả khu cơ quan hành chính nhà nước, khu công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Nhưng với công nghệ hotline, việc sửa chữa, đấu nối, vệ sinh dụng cụ điện sẽ được thực hiện trên đường dây đang mang điện - nghĩa là trong suốt quá trình đấu nối không cắt điện, không gây gián đoạn quá trình sử dụng điện của khách hàng. Đây không chỉ là bước chuyển trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sửa chữa lưới điện bảo đảm cấp điện mà còn thể hiện rõ cam kết liên tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của ngành Điện.

Đội sửa chữa hotline Bình Phước gồm 10 người, đều có tay nghề vững, dày dạn kinh nghiệm, được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị hiện đại gồm 3 xe chuyên dụng, hơn 170 công cụ, dụng cụ hỗ trợ với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng, đảm bảo mọi sự cố về điện trên địa bàn tỉnh đều được khắc phục kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Trình, công nhân đội hotline Công ty Điện lực Bình Phước chia sẻ: “Trực tiếp thao tác sửa chữa, thi công trên đường dây đang mang điện, các thành viên phải chấp hành nghiêm các quy trình để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Chúng tôi được rèn luyện tâm lý vững vàng, bình tĩnh thực hiện thao tác đúng trình tự được huấn luyện. Đồng thời, giám sát lẫn nhau trong quá trình thi công, đảm bảo tuyệt đối an toàn”.

Các thành viên đội sửa chữa nóng lưới điện - hotline Bình Phước đang thực hiện lắp đà, đấu nối công trình trong điều kiện không ngắt điện

Ngoài ra, để tăng chất lượng phục vụ, ngành Điện đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng như: đo điện kế từ xa; sử dụng công-tơ điện tử tự động cập nhật chỉ số sử dụng điện của khách hàng; trạm biến áp không người trực…

Công ty cũng đang triển khai tích hợp phần mềm CMIS 3.0 với phần mềm của trung tâm hành chính công để giảm thiểu các bước thao tác cập nhật dữ liệu. Nhằm gắn kết khách hàng, điện lực đã triển khai trang chăm sóc khách hàng trên các ứng dụng Zalo, Facebook. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc thu tiền điện, đảm bảo linh hoạt, thuận lợi để khách hàng có thể lựa chọn thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Ngoài ra, lịch cắt điện định kỳ và đột xuất cũng được cập nhật đến đúng người dùng trên Zalo để khách hàng chủ động trong việc sử dụng.

Sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng trên Zalo của Công ty Điện lực Bình Phước, chị Bùi Thị Thu Nguyệt, khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài tỏ ra hài lòng vì những thông tin ngành điện chuyển tải. “Tiện ích nhất đối với khách hàng là lịch cắt điện để sửa chữa của ngành điện được thông báo rõ ngày, giờ, thời gian cắt điện kịp thời, do vậy các gia đình ở khu vực mất điện chủ động trong sản xuất - kinh doanh” - chị Nguyệt chia sẻ.

Quản lý lưới điện bằng công nghệ

Dựa trên nền tảng công nghệ, nhiều sáng kiến ở các khâu sản xuất - kinh doanh, quản lý vận hành đã góp phần tăng hiệu quả, năng suất lao động của ngành điện. Điển hình như: sáng kiến điều hành sản xuất online; phần mềm thanh - kiểm tra đánh giá nội bộ… đều đã được áp dụng rộng rãi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thủ tục hành chính rườm rà trong ngành Điện.

Đặc biệt, trong quản lý lưới điện, ngành Điện đã tiến hành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu lưới điện trên nền tảng hệ thống thông tin từ phần mềm quản lý nguồn và lưới điện PMIS, phần mềm tính toán độ tin cậy lưới điện OMS; chương trình thu thập và điều khiển từ xa SCADA và một số chương trình quản lý hồ sơ, sổ sách, nhật ký vận hành điện tử… phục vụ công tác chỉ huy điều độ vận hành lưới điện, khi có sự cố xảy ra, lập tức hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí sự cố. Từ đó, nhân viên trực có thể cô lập khu vực xảy ra sự cố, hạn chế cúp điện trên diện rộng. “Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh chính là nền tảng để Điện lực Bình Phước nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng” - ông Lại Anh Tùng, Phó phòng Điều độ Công ty Điện lực Bình Phước chia sẻ.

Quản lý lưới điện bằng nền tảng công nghệ mới là một trong những giải pháp để Điện lực Bình Phước số hóa thông tin quản lý hạ tầng lưới điện, phục vụ việc chia sẻ dữ liệu, quản lý điều hành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là mục tiêu để ngành Điện hoàn thiện dần lưới điện thông minh của tỉnh trong thời gian tới.    

Link gốc


  • 13/10/2020 02:15
  • Nguồn: baobinhphuoc.com.vn
  • 3538