Hiệu quả bước đầu
Hơn một năm trở lại đây, người dân xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được sử dụng điện với chất lượng ổn định, chấm dứt hoàn toàn cảnh điện chập chờn, lúc có lúc không.
Ông Nguyễn Công Lưu (Xóm 2, xã Phúc Thọ) cho biết, trước đây, điện ở xã không ổn định, chất lượng kém nên vào các giờ cao điểm, người dân phải sử dụng ổn áp. Tuy nhiên, sau khi ngành Điện tiếp nhận, Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) đã đầu tư cải tạo, nâng cấp LĐHANT, nhờ đó, chất lượng điện năng được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân trong sản xuất, sinh hoạt. “Hiện nay, trong xóm chúng tôi có nhiều gia đình sử dụng tới 2 máy điều hòa nhiệt độ, cùng nhiều thiết bị điện công suất lớn như tủ lạnh, tủ đông, máy giặt, máy xay xát... mà không cần đến ổn áp nữa”, ông Lưu chia sẻ.
Ông Lê Xuân Lợi - Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết, sau khi tiếp nhận LĐHANT, Điện lực Cửa Lò đã tiến hành đầu tư, cải tạo sửa chữa, nâng cấp một số đường dây, hệ thống cột, công tơ đo đếm điện năng… Riêng tại Xóm 2, do nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh, đầu năm 2016, Điện lực Cửa Lò đã đầu tư 1 trạm 250 kVA, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Hiện nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng cắt điện luân phiên hay mất điện đột ngột, trừ những khi có sự cố bất khả kháng như, mưa, bão... Với những trường hợp cắt điện để sửa chữa, nâng cấp, điện lực đều thông báo trước để khách hàng chủ động...
Lưới điện nông thôn ở Nghệ An đã được đầu tư, nâng cấp
|
Phúc Thọ chỉ là một trong hàng trăm xã được PC Nghệ An đầu tư, nâng cấp hệ thống LĐHANT sau khi tiếp nhận. Đại diện PC Nghệ An cho biết, từ 2008 - 2015, Công ty đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 421 xã, với tổng giá trị hơn 456 tỷ đồng. Hầu hết, LĐHANT khi tiếp nhận đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo vận hành an toàn và tổn thất điện năng cao (từ 20-30%). Công tơ điện do hộ dân tự mua, chủng loại đa dạng, chất lượng kém, tình trạng sử dụng hộp công tơ bằng gỗ, can nhựa, gáo múc nước... còn phổ biến; lưới điện ở nhiều xã bị quá tải, điện áp cuối nguồn thấp; hệ thống cột tre/gỗ, xà gỗ, xà tre không đảm bảo an toàn khi vận hành.
Ngay sau khi tiếp nhận, PC Nghệ An đã nỗ lực tận dụng mọi nguồn vốn như vốn từ Dự án năng lượng nông thôn 2 (RE2), vốn xây dựng và cải tạo lưới điện trung áp thuộc dự án Phân phối hiệu quả - DEP giai đoạn 2, vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)... khẩn trương tiến hành sửa chữa, thay thế công tơ, nâng cấp hệ thống đường dây.
Ngoài ra, hàng năm Công ty Điện lực Nghệ An còn ưu tiên sử dụng nguồn sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên để cải tạo LĐHANT, đảm bảo an toàn vận hành, chất lượng điện năng đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân. Đặc biệt, tỉ lệ tổn thất điện năng ở LĐHANT đã giảm rõ rệt, từ 20-30% xuống còn 10-15%.
Vẫn thiếu vốn nghiêm trọng
Đại diện PC Nghệ An cho biết, vốn là một trong những khó khăn nhất của Công ty trong việc triển khai các dự án cải tạo LĐHANT. Do khối lượng tiếp nhận quá lớn, trong khi nguồn vốn còn hạn hẹp, nên việc cải tạo LĐHANT chưa thể hoàn chỉnh, chủ yếu mới dừng lại ở việc cải tạo tối thiểu như, thay dây, thay công tơ, cấy thêm trạm biến áp...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng PC Nghệ An mới chỉ cải tạo được hơn 40% khối lượng LĐHANT. Hiện vẫn còn một số khu vực, tuyến đường dây chưa tìm được nguồn vốn cải tạo, nâng cấp. Tính đến nay, toàn tỉnh còn 6.319 km đường dây hạ áp nông thôn chưa được cải tạo, nâng cấp.
PC Nghệ An đang tiếp tục tận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp LĐHANT; tiến hành cấy thêm các trạm biến áp dã chiến, kết lại lưới điện làm giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý những khiếm khuyết trên lưới, thực hiện hoán đổi máy biến áp giữa các trạm để vận hành hợp lý.
Với 421 xã tiếp nhận, PC Nghệ An là một trong những đơn vị tiếp nhận hệ thống LĐHANT nhiều nhất Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Chính vì vậy, PC Nghệ An rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền các địa phương, nhân dân trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp LĐHANT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.