Cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam: Những nỗ lực của EVN được đánh giá cao

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khi chia sẻ với PV Tạp chí Điện lực về kết quả cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam những năm gần đây.

Bà Nguyễn Minh Thảo

PV: Chỉ số tiếp cận điện năng tăng mạnh trong những năm qua tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, thưa bà? 

Bà Nguyễn Minh Thảo: Các báo cáo của Tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới (WB) những năm qua cho thấy, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam từ vị trí 156/189 quốc gia năm 2013, đến năm 2018 đã vươn lên vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế. Đây cũng là chỉ số duy nhất của Việt Nam liên tục gia tăng một cách bền vững. Chỉ số này có tác động rất tích cực đến kết quả đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Ngoài ra, EVN hiện cũng là doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những kinh nghiệm triển khai  của EVN rất đáng để các đơn vị, địa phương trên cả nước học tập và cùng góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

PV: Bà đánh giá như thế nào về quá trình vươn lên của EVN trong việc thực hiện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Trước hết, phải nói rằng, EVN rất chủ động trong việc tham gia cải cách thủ tục hành chính. Ngay từ năm đầu tiên, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã nhận thấy, EVN rất tích cực vào cuộc, cùng với Bộ Tài chính, TP. Hồ Chí Minh đi tiên phong trong lĩnh vực này. Từ năm 2014, EVN đã tiếp cận với các chuyên gia của WB, tìm hiểu về phương pháp luận đánh giá, nhận diện các vấn đề của ngành Điện Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm cách làm của thế giới, từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

5 năm qua, EVN luôn tích cực, tăng cường kết nối với từng ngành, từng Bộ, từng địa phương, giải quyết nhanh các thủ tục, thời gian, liên quan đến tiếp cận điện năng. Tất nhiên, EVN cũng có sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Công Thương với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho việc thực hiện cải cách thuận lợi hơn. Đồng thời, về phía EVN cũng đã áp dụng hiệu quả CNTT, mang tới sự minh bạch thông tin và tiện ích cho khách hàng, nỗ lực cải thiện rõ rệt độ tin cậy cung ứng điện. Những cải cách này được triển khai tới từng Điện lực tại các địa phương, đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điện, được khách hàng sử dụng điện hài lòng và quốc tế đánh giá cao. Qua đó, hình ảnh của EVN trong cộng đồng xã hội ngày càng được cải thiện, xóa đi những định kiến về độc quyền, cực đoan, tạo dựng được hình ảnh doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ tốt, vì cộng đồng. 

PV: Trong 5 năm liên tiếp, chỉ số tiếp cận điện năng đã tăng 129 bậc. Có ý kiến cho rằng, đây là sự may mắn, chưa hoàn toàn khách quan. Quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Trước hết, khảo sát môi trường kinh doanh bao gồm, khảo sát chỉ số tiếp cận điện năng được tổ chức Doing Business - WB thực hiện độc lập, không có liên hệ gì với EVN hay bất kỳ cơ quan, tổ chức nào tại Việt Nam. Đây là phương pháp nghiên cứu được áp dụng chung cho 190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Vì vậy có thể nói, kết quả Báo cáo Doing Business là hoàn toàn khách quan, không tạo sự may mắn, thuận lợi bất kỳ nào cho EVN. 

Nếu nhìn lại hành trình 5 năm qua của EVN có thể thấy, những năm đầu tiên (2014, 2015), chỉ số tiếp cận điện năng có tăng điểm, nhưng tăng chưa mạnh, vì lúc đó, EVN cũng chỉ mới bắt đầu tìm ra giải pháp cải thiện chỉ số này. Nhưng sau đó, nhờ “có đà”, có sự tích lũy nền tảng, nên tốc độ tăng rất nhanh. Đây là kết quả từ việc EVN đã đi rất đúng hướng và nỗ lực bền bỉ suốt 5 năm, chứ không phải dễ dàng có được. 

PV: Bà đánh giá thế nào về thách thức và cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở vị trí top 30 thế giới, top 4 ASEAN. Đây là thứ hạng khá cao. Thực sự để duy trì được vị trí này đã là rất khó, bởi các quốc gia, nền kinh tế khác cũng đang không ngừng vận động mạnh, vươn lên, trong khi dư địa để thăng hạng của EVN cũng càng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, đối với EVN, chúng tôi luôn có sự kỳ vọng về tăng điểm, thăng hạng. Tôi nghĩ rằng, với “đà” cải cách hiện nay, nếu EVN vẫn tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ điện, sẽ tiếp tục được cộng đồng và quốc tế ghi nhận.

PV: Xin cám ơn bà!  


  • 05/12/2018 10:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 22800