Cân bằng công suất điện năng giai đoạn 2017-2020

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) rà soát tiến độ các dự án nguồn điện, tính toán cân bằng công suất điện năng, xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới việc cung cấp điện toàn quốc, đặc biệt khu vực miền Nam.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư ngoài EVN đảm bảo tiến độ các nguồn điện mới khu vực miền Nam - Ảnh X.Tiến

Từ kết quả tính toán cho thấy cung cấp điện giai đoạn 2017-2020 về cơ bản sẽ đảm bảo với tần suất nước về các hồ thủy điện đạt 65%. Trường hợp nước về các hồ thủy điện thấp với tần suất 75% thì phương án phụ tải cao có thể sẽ bị thiếu sản lượng điện từ năm 2018-2020 và chủ yếu tại miền Nam.

Theo EVN, việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam phụ thuộc rất lớn vào tiến độ và độ ổn định các tổ máy nhiệt điện khu vực phía Nam. Trong trường hợp chậm tiến độ hoặc có sự cố các tổ máy khu vực này có thể phải tiết giảm phụ tải của miền Nam.

Với phương án tần suất nước về hồ thủy điện đạt 65%, hệ thống điện miền Bắc có đủ nguồn để cung cấp cho phụ tải tại chỗ và có dự phòng tại chỗ ở các tổ máy nhiệt điện than, tuy nhiên mức độ dự phòng không lớn. Hệ thống điện miền Nam do thiếu hụt nguồn cung lớn nên phải nhận công suất và sản lượng lớn từ miền Bắc qua lưới điện truyền tải và phải huy động thêm sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện dầu hằng năm từ 1,7 tỉ kWh đến 7,1 tỉ kWh tùy theo từng phương án.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2017-2020, truyền tải trên các đường dây liên kết vùng ở mức rất cao trong cả năm. Sản lượng truyền tải trên giao diện Trung-Nam có thể đạt xấp xỉ 22 tỉ kWh/năm, trên giao diện Bắc-Trung gần như đạt ngưỡng giới hạn của các đường dây này khi sản lượng truyền tải hằng năm đạt mức xấp xỉ 16 tỉ kWh/năm từ năm 2018.

Việc liên tục phải truyền tải với công suất và sản lượng cao trong cả năm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố trên các đường dây truyền tải, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện.

Trong các năm tới, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng thêm chủ yếu sẽ do các tổ máy nhiệt điện than đảm nhận, do vậy nhu cầu tiêu thụ than sẽ ngày càng tăng cao và dự kiến đến năm 2020, nhu cầu than sẽ tăng cao hơn 2 lần so với năm 2015 (năm 2020 cần khoảng 56,5 triệu tấn than). Do đó, việc đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cung cấp điện trong cả nước giai đoạn 2017-2020, EVN đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các nguồn điện mới khu vực miền Nam như nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, Long Phú, Sông Hậu, Vân Phong 1.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan ưu tiên cấp khí cho phát điện ở mức cao nhất, hạn chế phát triển thêm các phụ tải tiêu thụ khí mới và giảm dần mức độ tiêu thụ của các phụ tải khí hiện tại. Trong trường hợp sự cố và ngừng bảo dưỡng sửa chữa có kế hoạch, cần giảm nhu cầu khí của các hộ tiêu thu khác để dành khí cho phát điện, tránh để ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nguồn khí mới như Cá Voi Xanh, khí Lô B và các dự án nhà máy điện đồng bộ.

EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đảm bảo cấp đủ than và đúng chủng loại, chất lượng cho phát điện. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng cơ quan, doanh nghiệp…


  • 03/09/2015 02:24
  • Theo Chinhphu.vn
  • 3964


Gửi nhận xét