Cần khuyến khích các dự án sản xuất điện từ rác

Ðầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác là lĩnh vực tiềm năng vừa giúp tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo vừa giảm ô nhiễm môi trường, nên từ lâu đã được TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư. Thế nhưng, đến nay hầu như vẫn chưa dự án nào được triển khai.

Mỗi ngày, thành phố thải ra 7.500 tấn rác sinh hoạt, trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp

Mới đây, TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày và nhà máy xử lý chất thải nguy hại công suất 2.000 tấn/ngày.

Ðây là hai dự án trong tổng số 41 chương trình, dự án ưu tiên triển khai giai đoạn 2013 - 2015 thuộc kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố đến năm 2015 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố mỗi ngày đã thải ra 7.500 tấn rác sinh hoạt (trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 10% còn lại làm phân compost).

Nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố sẽ tái sử dụng 90 - 95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng (đốt phát điện) và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Thế nhưng hiện thành phố vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào.

Trước đó, vào tháng 2/2013, đại diện Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) cho biết, đang nghiên cứu khả thi để đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện với quy mô đốt 1.000 tấn rác/ngày, có công suất phát điện 25 MW tại TP Hồ Chí Minh. Nếu được UBND thành phố cấp phép xây dựng (dự kiến vào năm 2014) thì dự án sẽ được triển khai xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) với tổng vốn đầu tư ước khoảng 100 triệu USD.

Ðây không phải là lần đầu một doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư vào sản xuất điện từ rác ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó khoảng một năm, Công ty Trisun International Development (Ô-xtrây-li-a) đã đề xuất với chính quyền thành phố một dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma (khí hóa rác thải) để sản xuất điện với vốn đầu tư lên tới 400 triệu USD. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.

Do việc đầu tư nhà máy điện rác là lĩnh vực tiềm năng, nên từ khá lâu TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài hai dự án trên, hiện có Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS, 100% vốn nước ngoài) cho biết, khoảng đầu năm 2014 nhà máy điện chạy bằng khí thải từ rác sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Ða Phước (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Dự án này cũng chậm hơn so với dự kiến ban đầu là vào cuối năm 2013. Hiện nay VWS tiếp nhận 3.000 tấn rác để xử lý với chi phí khoảng 17 USD/tấn. Số rác này được xử lý bằng cách chôn lấp để lấy khí gas chạy nhà máy phát điện nói trên.

Nhiều năm trước đây đã có một số nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định xây dựng dự án đầu tư nhà máy sản xuất điện từ rác thải ở TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, đến nay vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nên hầu như vẫn chưa có dự án nào được thực hiện. Một số dự án được cấp giấy phép bốn, năm năm trước nhưng đa phần đã xin rút giấy phép hoặc có nhà đầu tư ngừng dự án mà không thông báo.

Có nhận định cho rằng, một trong những lý do chính là tính hiệu quả kinh tế không cao vì những dự án đầu tư nhà máy điện rác đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, không cho lợi nhuận ngay trong thời gian đầu, trong khi khả năng hoàn vốn lại kéo dài từ 10 đến 20 năm và sinh lợi thấp. Ðó là chưa kể nhà đầu tư thiếu vốn để thực hiện dự án trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nên gặp khó khăn về vốn vay. Hơn nữa, việc thương lượng về giá bán điện rác cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất (với mức giá theo mặt bằng chung áp dụng cho năng lượng tái tạo là 7,8cent/kWh thì nhiều nhà đầu tư sẽ khó thu hồi vốn). Mặt khác, công nghệ xử lý rác, số lượng rác thu gom để sản xuất điện cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi. Riêng bài toán đầu ra cho điện rác cũng còn những ý kiến băn khoăn là sẽ bán điện cho ai, nguồn điện dư sẽ như thế nào, trong khi, cơ chế bán điện lại chưa rõ ràng.

Ngoài ra, một rào cản khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư công nghệ đốt rác thải phát điện tại TP Hồ Chí Minh là giá thành xử lý rác được các nhà đầu tư đưa ra còn rất cao nên chính quyền thành phố thường phải cân nhắc với những dự án này. Ðơn cử như Keppel từng đề xuất mức giá xử lý rác đến 32 USD/tấn, còn Tâm Sinh Nghĩa thì khoảng 26 USD/tấn. Ðối với nhà máy điện rác theo công nghệ plasma thì mức giá đề xuất là 26,8 USD tấn (áp dụng cho năm năm đầu) cũng được cho là khá cao vì đối với công nghệ chôn lấp cổ điển thì TP Hồ Chí Minh áp dụng mức giá chỉ 17 - 18 USD/tấn (như đối với bãi rác Ða Phước).

Riêng đối với các doanh nghiệp trong nước, ngoài vấn đề về vốn, chi phí xử lý rác thì trình độ công nghệ thua kém cũng là lý do khiến họ không mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất điện năng đã từng hình thành từ năm 2006, khi TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động công trình xử lý rác Gò Cát (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) do Công ty Môi trường Ðô thị thành phố làm chủ đầu tư (được xây dựng trên diện tích 25 ha, với tổng vốn đầu tư 262 tỷ đồng, do Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 60%). Trong đó, riêng hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác ở Gò Cát được đầu tư hơn ba triệu USD với công suất 2,4 MW.

Mặc dù nhà máy trên hoạt động gần bảy năm nay, nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường Ðô thị TP Hồ Chí Minh Trần Ðại Ðồng thì lượng điện sản xuất ra từ nhà máy với phương thức ủ rác tạo khí gas, từ khí gas đem chạy máy phát điện là cực kỳ nhỏ và không có hiệu quả kinh tế. Cho nên hướng đi lâu dài của Công ty Môi trường Ðô thị TP Hồ Chí Minh là xây dựng hệ thống xử lý rác thải không chôn lấp, tái chế hoàn toàn nguồn rác thải để tạo thành các sản phẩm bán ra thị trường.

Rõ ràng những vướng mắc trong việc đầu tư nhà máy sản xuất điện từ rác thải ở TP Hồ Chí Minh sẽ còn nhiều vấn đề phải giải quyết thấu đáo. Ðể có thể giảm ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải và có thêm nguồn năng lượng tái tạo thì đòi hỏi chính quyền thành phố phối hợp cùng các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những rào cản, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi thì mới hy vọng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.


  • 23/07/2013 10:20
  • Theo Báo Nhân Dân
  • 24355


Gửi nhận xét