Cần một chữ “Tâm”!

Tổng công ty Điện lực miền Nam hiện đang quản lý vận hành, kinh doanh mua bán điện trên địa bàn các tỉnh phía Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với những người thợ điện, nhất là vào mùa nước nổi. PV Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC về vấn đề này.

Ông Phạm Ngọc Lễ 

Phóng viên (PV): Ông cho biết rõ hơn về những đặc thù trong quản lý, vận hành hệ thống lưới điện tại địa bàn đặc thù sông nước của Tổng công ty Điện lực miền Nam? 
 
Ông Phạm Ngọc Lễ: Hiện nay, EVNSPC đang quản lý vận hành và kinh doanh mua bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Khác với các tổng công ty điện lực khác, các tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là địa hình đồng bằng thấp và có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Theo thống kê của Cục Đường sông Việt Nam, trong khi mật độ sông, kênh trung bình trên cả nước là 0,60 km/km2 thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ 0,68 km/km2. Hệ thống sông Cửu Long cũng chiếm hơn 60% tổng lưu lượng nước trung bình của các sông và kênh trên cả nước. 
 
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng của 2 chế độ thủy triều, vùng đất tiếp giáp Biển Đông chịu chế độ bán nhật triều (trong 24 giờ ngày - đêm có 2 lần mực nước lên và 2 lần mực nước xuống), ngược lại vùng đất tiếp giáp Biển Tây (Vịnh Thái Lan) chịu chế độ toàn nhật triều (trong 24 giờ ngày - đêm có 1 lần mực nước lên và 1 lần mực nước xuống). Đáng chú ý nhất là địa bàn tỉnh Cà Mau với gần 80% diện tích là các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực sông nước. Đây cũng là vùng đất trẻ do phù sa bồi lắng nên tương đối bằng phẳng và thấp với độ cao trung bình từ 0,5 – 1,5 m so với mực nước biển, thường xuyên bị ngập nước. Giao thông bằng đường bộ chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển), còn lại chủ yếu là giao thông thủy.
 
PV: Điều đó đặt ra những khó khăn, thách thức như thế nào đối với EVNSPC và các đơn vị trong việc quản lý vận hành và kinh doanh mua bán điện, thưa ông?
 
Ông Phạm Ngọc Lễ: Trong nhiều năm qua, EVNSPC đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đưa điện đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sông nước trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Nếu như việc kéo điện lưới quốc gia đến với từng hộ dân đã gặp nhiều khó khăn thì công tác quản lý vận hành và kinh doanh mua bán điện của các đơn vị cũng vất vả không kém, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; phương tiện kiểm tra, vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công công trình, sửa chữa lớn và bảo dưỡng định kỳ, khắc phục sự cố chủ yếu bằng xuồng, ghe, thậm chí phải lội bộ qua kênh, rạch. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều nên những người làm điện vùng sông nước phải thường xuyên theo dõi thời gian lên xuống của thủy triều, từ đó cũng tạo khó khăn rất lớn trong việc thực hiện công việc quản lý cũng như  khắc phục sự cố, nhất là trong mùa mưa, bão.
 
Không phải là đồi núi hay đồng bằng, hiện trường làm việc của những người thợ điện miền sông nước chỉ có thể là đầm lầy, ao tù nước đọng hay giữa cánh rừng rậm rạp đầy muỗi, vắt. Cũng chính vì vậy, họ thường xuyên phải ăn uống, sinh hoạt ngay tại bờ sậy, bãi đước, vườn tràm, thậm chí còn vắt vẻo trên các cột điện cao giữa dòng sông mênh mông nước trắng với bữa cơm đạm bạc… Ngoài ra, nhiều cán bộ, công nhân thực hiện công việc quản lý, vận hành lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa (xã Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau) luôn phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa trung tâm…
 
PV: Vậy, EVNSPC đã có những giải pháp chia sẻ khó khăn với những người thợ điện miền sông nước như thế nào, thưa ông?
 
Ông Phạm Ngọc Lễ: Để tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm điện miền sông nước nói riêng và các tỉnh thành miền Nam nói chung, hiện nay EVNSPC đã triển khai các chương trình quản lý như: Chương trình đọc thông số điện kế trạm 110 kV và chương trình vận hành sơ đồ lưới điện phân phối trên máy tính; chương trình quản lý kỹ thuật lưới 110 kV; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về mua sắm vật tư chất lượng tốt hơn, nâng cấp các thiết bị vệ sinh sứ, đảm bảo an toàn lao động… nhằm giảm sự cố lưới điện, đảm bảo an toàn cho công nhân trong quá trình kiểm tra, vận hành trạm và lưới điện; tăng năng suất lao động, nâng cao công tác quản lý để phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh, vận hành hệ thống lưới điện đảm bảo chất lượng điện năng và cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng trên địa bàn. 
 
Bên cạnh đó, hàng năm lãnh đạo EVNSPC và Công đoàn các cấp tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà, đồng thời tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người công nhân vận hành tại các đơn vị nằm ở vùng sâu, vùng xa, khu vực sông nước, qua đó đề xuất những hỗ trợ, trợ cấp cần thiết và kịp thời để họ yên tâm công tác; hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được sửa chữa, xây dựng nhà theo Chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Việc làm này đã tạo điều kiện để tập thể CNVCLĐ gắn bó, thương yêu nhau và thật sự an tâm trong công tác. Ngoài ra, hiện nay nhiều đơn vị đang triển khai việc xây dựng nhà chờ ca cho các Điện lực nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước, tạo điều kiện cho tập thể CNVCLĐ có nơi ở ổn định (không phải thuê nhà và phải trả tiền nhà hàng tháng).
 
Tuy nhiên, rất khó có thể kể hết những khó khăn mà những người thợ điện miền sông nước phải trải qua. Vì vậy, để có thể “bám đất bám nghề” rất cần một chữ “Tâm” ở những người thợ điện nơi đây. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!


  • 24/11/2015 08:14
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4897


Gửi nhận xét