“Cần sự đồng thuận và quyết tâm”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam khi trao đổi với PV Tạp chí Điện lực về tăng năng suất lao động (NSLĐ) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về NLSĐ hiện nay của Việt Nam nói chung và NSLĐ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: NSLĐ của Việt Nam đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu giai đoạn 2006-2010, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 3,45%/năm thì đến giai đoạn 2011-2015 đã đạt mức tăng 4,35% và năm 2016 đạt 5,09%. Nhờ đó, khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng đã từng bước được thu hẹp. Cụ thể, năm 2000, NSLĐ của Singapore gấp 20,5 lần Việt Nam; Nhật Bản gấp 13,5 lần; Malaysia gấp 8,1 lần; Thái Lan gấp 3,4 lần thì đến năm 2014, khoảng cách này chỉ còn: Singapore gấp 14,1 lần, Nhật Bản gấp 8,1 lần; Malaysia gấp 6,1 lần và Thái Lan gấp 2,9. 

Dù khoảng cách đã thu hẹp, nhưng có thể thấy, NSLĐ Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Vấn đề đáng lo ngại hơn, trong khi chúng ta chưa đuổi kịp các nước phát triển và đang phát triển, nhóm các quốc gia có NSLĐ thấp hơn Việt Nam như, Lào, Campuchia, Myanmar đang có xu hướng đuổi kịp và vượt chúng ta.

Riêng các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, nhìn chung NSLĐ thường thấp hơn so với khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cùng quy mô. Còn trong cùng doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phần lớn các đơn vị đã chuyển đổi mô hình hoạt động đều có NSLĐ tốt hơn các đơn vị chưa chuyển đổi…

PV: Vì sao NSLĐ của các DN, TĐNN, thường thấp hơn khối kinh tế tư nhân và doanh nghiệp FDI, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều lý do dẫn đến thực trạng này. Đó là vấn đề cơ chế quản lý; là vấn đề lợi ích và trách nhiệm, giữa một bên là “của tôi” – doanh nghiệp tư nhân - và một bên “không của ai cả” – DNNN. Các DNNN thường không có sự quyết liệt, không có động lực đổi mới, thúc đẩy phát triển. Đó là chưa kể đến sự ỉ lại vào Nhà nước, vào nguồn ngân sách…

PV: Là một tập đoàn kinh tế nhà nước, giai đoạn 2011-2015, NSLĐ của EVN tăng trung bình 6,8%/năm và năm 2016 tăng 12,6%. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có thể thấy rằng, cả giai đoạn 2011-2015 và năm 2016, NSLĐ của EVN đều cao hơn so với NSLĐ trung bình của cả nước. 

Riêng trong lĩnh vực Công Thương, NSLĐ của ngành Điện chỉ thua ngành Điện tử - Tin học (tăng 17%, do có sự đóng góp của Tập đoàn Samsung - doanh nghiệpFDI) và cao hơn rất nhiều so với các ngành khác như, Dệt may chỉ tăng 1,1%/năm; Da giầy tăng 4,9%/năm; Nhựa tăng 2,1%/năm; Hóa chất tăng 4,2%/năm…

Như vậy, nếu xét trong phạm vi hẹp, EVN đã là “anh cả” trong nỗ lực tăng NSLĐ. Tuy nhiên, nếu so sánh với các DN FDI, ngành Điện Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện năng suất lao động.

PV: Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của EVN trong việc tăng NSLĐ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thách thức đầu tiên của EVN đó là vấn đề tư duy. EVN là DNNN, có lịch sử phát triển hơn 60 năm. Muốn tăng năng suất lao động, cần sự có sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống, từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ lãnh đạo đến mỗi CBCNV và người lao động, tất cả phải ý thức được sự cần thiết phải đổi mới, phải hi sinh lợi ích cá nhân, tất cả vì lợi ích chung… Còn nếu chỉ có sự quyết tâm của lãnh đạo, của một bộ phận thì rất khó đạt hiệu quả cao. 

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cũng là một vấn đề. Những năm gần đây, ngành Điện luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. EVN luôn phải dành một nguồn vốn lớn, đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, muốn tăng NSLĐ hiệu quả, cũng cần có sự đầu tư thỏa đáng về con người, công nghệ... Việc ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nào trong từng thời điểm cũng là một thách thức mà lãnh đạo Tập đoàn phải hết sức “cân nhắc”.

PV: Khó khăn là vậy, nhưng giai đoạn 2016-2020, EVN vẫn đặt mục tiêu tăng NLSĐ từ 8-10%/năm. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, EVN cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mục tiêu tăng NSLĐ của EVN đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 cao hơn mục tiêu chung của Việt Nam (tăng 5,5%/năm). Đây là hướng đi phù hợp, là sự cần thiết trong bối cảnh cần thu hẹp khoảng cách giữa NSLĐ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu cao, việc thực hiện không bao giờ dễ dàng. Trước tiên, ngành Điện cần tập trung tổ chức, sắp xếp lại mô hình quản lý sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, tối ưu hóa nguồn lực, giảm  lãng phí trong sản xuất - kinh doanh điện. 

Thứ hai, EVN và các đơn vị thành viên cần áp dụng những phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến đang được sử dụng hiệu quả tại các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Được biết, EVN cũng đang áp dụng các phương pháp quản trị như KPI, 5S..., bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Trong đó, ngành Điện là một trong những đơn vị thành công nhất tại Việt Nam với mô hình 5S. Thông thường, mọi người nghĩ rằng, 5S là tạo môi trường sạch sẽ, sắp xếp; còn 5S khi ứng dụng tại các đơn vị trực thuộc EVN đã được nâng lên một bước, đó là: Sắp xếp để tìm ra những điểm bất hợp lý, qua đó cải thiện hiệu quả công việc, tăng NSLĐ. Chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khi đánh giá mô hình 5S tại Công ty Thủy điện Ialy cũng cho rằng: 5S của Nhật Bản cũng chỉ đến vậy mà thôi!

Thứ ba, EVN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, ngành Điện có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng có một bộ phận lao động làm việc chưa hiệu quả. Muốn tăng NSLĐ của cả hệ thống, tất cả mọi vị trí làm việc cần phải phát huy hết tiềm lực của mình. Để làm được điều này, EVN phải tăng cường đào tạo, có những quy chế tạo sự công bằng giữa các vị trí công việc: Ai làm nhiều, hưởng nhiều và ngược lại. Đặc biệt, cần có những cơ chế ưu đãi khi NSLĐ tăng, khuyến khích người lao động.

Thứ tư, ngành Điện cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất - kinh doanh điện. Hiện EVN cũng đang có những bước đi hiệu quả và đúng hướng, không chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng sử dụng điện, cho EVN mà cho cả nền kinh tế như, ứng dụng công tơ điện tử, đầu tư các TBA không người trực, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến… Về lâu dài, Tập đoàn cần tiếp tục phát huy, hướng tới việc tự động hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh điện, giảm lao động phải thực hiện các thao tác trực tiếp. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây sẽ là một bài toán không đơn giản mà lãnh đạo ngành Điện cần phải “tính toán ” để có những bước đi phù hợp, bởi muốn hiện đại hóa, tự động hóa, EVN cần có nguồn nhân lực cả vốn đầu tư, con người có trình độ chuyên môn cao...

Thách thức là không nhỏ, nhưng nếu có sự quyết tâm và đồng thuận, tôi tin tưởng rằng, EVN hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra về NSLĐ trong giai đoạn 2016-2020.

PV: Với tư cách là khách hàng sử dụng điện, ông có thể chia sẻ cảm nhận về ngành Điện trong những năm gần đây?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thú thật, tôi thực sự ngạc nhiên khi EVN - DNNN có tính độc quyền cao, nay đã có những đổi mới hết sức mạnh mẽ và tích cực.

Không chỉ cung ứng đủ điện, không còn tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên mà phong cách phục vụ của CBCNV ngành Điện cũng đã thay đổi. Tôi cho rằng, EVN đang hướng đến việc cung cấp điện như một loại hàng hóa, với những dịch vụ đi kèm mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Cụ thể, bây giờ, mỗi khi có sự cố điện, từ việc tiếp nhận thông tin đến xử lý đều được cán bộ ngành Điện thực hiện rất nhanh, gọn, với tính chuyên nghiệp cao. Việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng cũng là một tiện ích không chỉ tạo thuận lợi cho khách hàng mà còn giúp ngành Điện tối ưu nguồn nhân lực, tăng NSLĐ… 

PV: Cảm ơn ông!


  • 08/12/2017 04:04
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6717