Cấp điện cho đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh

Cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer, vùng sâu, vùng xa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị được ngành Điện và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm đầu tư, triển khai có hiệu quả thời gian qua.

Những năm qua, ngành Điện luôn cố gắng đầu tư phát triển, nâng cấp nguồn và lưới điện, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các địa phương của tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là Dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer.

Đây là dự án điện khí hoá nông thôn quy mô lớn được thực hiện theo cơ chế Tây Nguyên (vùng đồng bào dân tộc) trên địa bàn 83 xã của 7 huyện trong tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 1 sau khi điều chỉnh khối lượng đã tăng vốn đầu tư lên trên 213 tỷ đồng với khối lượng 176,611 km đường dây trung thế, 588,029 km đường dây hạ thế, 398 trạm biến áp tổng cộng 7170 kVA, 18.589 hộ dân được cấp điện. Giai đoạn 1 đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 11/2012 với 18.589 hộ sử dung điện, mỗi hộ còn kèm theo mạch điện trong nhà với 02 bóng đèn compact 15W.

Lễ khởi công Dự án cung cấp điện cho các hộ dân Khmer tỉnh Trà Vinh giai đoạn 1

Trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư trực tiếp là Ban quản lý dự án Điện lực miền Nam quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn vay, tiết kiệm đáng kể trong đấu thầu vật tư thiết bị, xây lắp nên sau khi hoàn thành giai đoạn 1, vốn vay còn thừa và được sự chấp thuận của Ngân hàng phát triển Châu Á chủ đầu tư đã triển khai mở rộng dự án giai đoạn 2. Nhờ thực hiện tốt chủ trương tối ưu hóa chi phí, ngay  từ khâu đấu thầu mua sắm vật tư xây lắp công trình, nên đến khi hoàn thành giai đoạn 2 vẫn chưa sử dụng hết nguồn vốn vay. Vì vậy, Tổng công ty Điện lực miền Nam tiếp tục triển khai tiếp giai đoạn 3 trong năm 2015. Đến nay giai đoạn 3 đang triển khai thi công và theo hiệp định vay vốn sẽ hoàn thành kết thúc dự án đến cuối năm 2015.

Như vậy, Dự án cung cấp điện cho hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, được triển khai từ năm 2011-2015 qua 03 giai đoạn, khối lượng đường dây trung thế 292,032 km, đường dây hạ thế 1134,99 km, trạm biến thế 685 trạm 12.917,5 kVA, cung cấp điện cho 35.045 hộ dân với tổng kinh phí 423.681 triệu đồng, bình quân 12 triệu đồng/hộ.

Công nhân Điện lực TP.Trà Vinh lắp đặt điện kế cho chùa Khmer tại Trà Vinh

Có thể nói rằng, đây là Dự án điện khí hoá nông thôn lớn nhất và hoàn thiện nhất về mặt cung cấp điện cho các hộ dân nông thôn hoá nông thôn. Việc triển khai xây dựng đường dây trung thế, trạm biến thế, đường dây hạ thế đến điện kế, dây nhánh vào nhà và mạng điện trong nhà, tất cả đều được đầu tư đồng bộ trong một dự án và khi hoàn thành đóng điện là trong nhà dân có điện ngay. Dự án góp phần rất lớn đưa hộ dân có điện toàn tỉnh Trà Vinh từ 87% khi mới bắt đầu triển khai đến cuối tháng 12/2014 đã đạt 98,04% hộ dân có điện lưới quốc gia (258.677/263.857 hộ), trong đó số hộ khu vực nông thôn đạt 97,02% (220.395/227.156 hộ) Đến cuối năm 2015, khi Dự án hoàn thành, số hộ dân có điện sẽ đạt từ 98,4% trở lên theo như Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.

Dự án này có quy mô đầu tư lớn, địa bàn thi công trải rộng trên địa bàn 83 xã 07 huyện trong Tỉnh, có địa hình phức tạp, việc đi lại và vận chuyển vật tư thiết bị rất khó khăn. Để triển khai tốt Dự án đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành từ Tỉnh xuống các huyện, xã, ấp; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của người dân và chính quyền trong giải phóng mặt bằng phục vụ thi công... Hiệu quả của Dự án mang lại cho Trà Vinh là rất lớn. Việc sử dụng điện sẽ đảm bảo an toàn, giá bán điện theo đúng quy định của Nhà nước, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài mục đích sinh hoạt, người dân còn có điều kiện phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, bơm nước tưới tiêu, chăn nuôi, xay xát, gia công sản phẩm công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản… góp phần không nhỏ làm cho kinh tế hộ nông thôn phát triển,  cuộc sống tốt hơn, thoát nghèo bền vững.


  • 05/06/2015 08:48
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2925


Gửi nhận xét