Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến Moscow phải đối mặt với vô số lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây. Đổi lại, Nga lại đang nắm trong tay một "vũ khí" thể gây ảnh hưởng lớn tới phương Tây. Thứ "vũ khí" này chính là lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ mà Moscow xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Để đối phó với các lệnh cấm vận xuất khẩu đáp trả của Nga, các quốc gia châu Âu đã có những động thái cấp bách nhằm tránh khỏi một thảm họa trong mùa đông giá rét. Trong số đó, thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như khẩn trương tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế được xem là những ưu tiên hàng đầu đối với châu Âu.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng
Ngay từ tháng 8 năm ngoái, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay chính phủ nước này đã chuẩn bị một gói giải pháp nhằm đối phó với nguồn cung khí đốt hao hụt từ Nga.
"Tất cả các công trình công cộng, ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở xã hội, sẽ không được bật máy sưởi quá 19 độ C", ông Habeck cho biết, đồng thời nhắc lại các quyết định trước đó về việc cấm các bể bơi công cộng bật hệ thống sưởi cũng như yêu cầu các tòa nhà và đài tưởng niệm không bật đèn trang trí suốt đêm.
Ông Habeck cũng xác nhận những giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ tiếp tục được đưa ra trong thời gian tới và kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ trong việc giải quyết vấn đề cấp thiết này.
Với việc nhập khẩu tới 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, việc Moscow giảm nguồn cung khiến cho giá khí đốt ở Đức ở mức cao kỷ lục, kéo theo nguy cơ về lạm phát tăng vọt. Điều này đã gây nên một tâm lý hoài nghi trong dân chúng về sự tham gia của Đức vào các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7 của hãng tư vấn INSA, 47% trong tổng số hơn 1.000 người Đức được hỏi cho biết họ tin rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây tổn hại tới Berlin nhiều hơn là với Moscow. Bên cạnh đó, 36% số người được hỏi nói các lệnh trừng phạt để lại những hậu quả nặng nề cho cả 2 nước.
Các hội chợ nhân dịp Giáng sinh tại nhiều nước châu Âu như Đức, Bỉ, hay Cộng hòa Séc cũng bị ảnh hưởng với cuộc khủng hoảng năng lượng. Việc chính phủ các quốc gia châu Âu yêu cầu tăng cường tiết kiệm điện khiến việc trang trí đèn Giáng sinh không còn được thoải mái như trước đây. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến không khí lễ hội tại châu lục này sau 3 năm bị siết chặt bởi đại dịch Covid-19.
Tại Anh, 2 công ty năng lượng Octopus Energy và Ovo Energy cũng quyết định thưởng cho người dân nếu tiết kiệm điện trong giờ cao điểm. Với mỗi số điện tiết kiệm được, người tiêu dùng có thể được trả khoảng 4 bảng Anh.
"Thay vì cắt điện nếu chúng ta thiếu khí đốt, chúng ta có thể thưởng cho những người sử dụng tiết kiệm điện. Chúng tôi là nhà cung cấp điện đầu tiên đem đến cho khách hàng dịch vụ này, và chúng tôi hy vọng những nhà cung cấp khác sẽ học theo. Với cách làm này, chúng ta có thể ngăn chặn được sự cố mất điện trên diện rộng và tiết kiệm chi phí cho mọi người", Giám đốc điều hành nhà cung cấp năng lượng Octopus Greg Jackson giải thích.
Tính đến cuối tháng 11/2022, gần 300.000 khách hàng đã được hưởng lợi gần 1 triệu bảng Anh từ chương trình khuyến khích tiết kiệm điện của Octopus.
Còn tại Ukraine, đất nước đang phải chống chọi với những cuộc tập kích tên lửa dữ dội nhằm vào hệ thống hạ tầng năng lượng, người dân nước này đã phải sống chung với cảnh mất điện trên diện rộng và tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông.
Tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), được giới chuyên môn mệnh danh là một trong những sản phẩm năng lượng của thời đại mới. Sau khi được khai thác từ các mỏ trên biển, lượng khí này sẽ được dẫn vào đất liền và làm lạnh bằng hệ thống xử lý khí chuyên biệt. Quá trình này sẽ tạo ra khí LNG ở dạng lỏng và được chứa trong các khoang chứa có dung tích lớn, qua đó thuận lợi cho việc di chuyển.
So với khí gas truyền thống, nguồn cung cấp khí LNG dồi dào hơn, số lần phải tiếp thêm nhiên liệu thấp hơn. Đặc biệt, khí LNG được đánh giá là thân thiện với môi trường nên đã được sử dụng phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản.
Khi Nga hạn chế nguồn cung năng lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số quốc gia châu Âu đã chuyển hướng sang sử dụng khí LNG được nhập khẩu từ Mỹ, Australia và một số quốc gia khác ở châu Phi và Trung Đông.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 65% trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến cuối tháng 9, mức lưu kho của châu Âu ở mức 87% công suất thực tế.
Tuy nhiên, "cơn khát" từ châu Âu cũng đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường LNG toàn cầu, nhất là khi nhiều quốc gia châu Á cũng đang rất cần mua loại nhiên liệu này để cân bằng chỉ số phát thải với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
"Châu Á giờ cũng phải săn tìm LNG, cạnh tranh với châu Âu về mặt hàng hiện đã không còn là nguồn năng lượng phụ trợ", ông Takayuki Nogami, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (Jogmec) cho biết.
Việc châu Âu đổ xô mua LNG có nguy cơ đẩy nhiều nền kinh tế đang phát triển lún sâu hơn vào khủng hoảng năng lượng, và có thể kéo dài sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu bẩn.
Mức giá cao của LNG và các nguồn nhiên liệu khác có ảnh hưởng đặc biệt lớn tới các nước ở Nam Á vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu để phát điện. Chẳng hạn, cả Pakistan và Bangladesh đều bị mất điện trên diện rộng trong những tháng gần đây vì thiếu LNG.
Ngoài ra, những nước đang phát triển không thể mua được LNG đang chuyển sang các dạng nhiên liệu hóa thạch ngày càng nhiều hơn. Ở Pakistan, tình trạng thiếu LNG đã khiến nhu cầu than đá mua từ nước láng giềng Afghanistan tăng vọt.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến các quốc gia tại châu Á, các chuyên gia cho rằng khí LNG chỉ có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt của châu Âu trong ngắn hạn nhưng không thể đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng tại châu Âu trong mùa đông này.
Lý giải cho vấn đề này, giới phân tích nhận định các cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và vận chuyển khí LNG ở châu Âu hiện chưa đủ để đáp ứng mục tiêu thay thế hoàn toàn khí đốt truyền thống. Các bến cảng, đường ống khí đốt và kho chứa khí được khẩn trương xây dựng tại nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, các công trình đồ sộ này sẽ không thể được hoàn thành trong thời gian ngắn. Việc đóng thêm các con tàu chuyên dụng để vận chuyển khí LNG vượt đại dương trong hoàn cảnh nhu cầu tăng vọt cũng đặt ra một bài toàn kinh tế và kỹ thuật lớn cho không chỉ châu Âu mà còn cả các công ty khí đốt toàn cầu.
Có thể quay lại với than đá?
Vào đầu tháng 8/2022, chính phủ một số nước châu Âu trong đó có Đức, Pháp, Italy, Áo và Hà Lan đã công bố kế hoạch tái khởi động các nhà máy nhiệt điện chạy than cũ. Theo đó, tại Đức, nước này sẽ cho phép 21 nhà máy điện than hoạt động trở lại hoặc tiếp tục hoạt động.
Theo thống kê của Fraunhofer Ise, tính đến ngày 29/11/2022, sản lượng điện than tại Đức đạt 14,5GW/ngày, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của toàn châu Âu để từ bỏ khí đốt Nga và phá vỡ sự kìm hãm năng lượng của Moscow. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ gây ra những thách thức về môi trường và các chuyên gia cảnh báo châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu về khí hậu do hồi sinh các nhà máy điện than.
Nhu cầu than tăng cao cũng khiến cho giá than tăng vọt. Các chuyên gia dự đoán tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ trở lại mức kỷ lục đã đạt được cách đây 10 năm nếu cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng tiếp tục.
Việc đưa các nhà máy điện than vào hoạt động trở lại đã gặp phải sự phản đối của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường. Than đá từ lâu đã được xem là một nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, qua đó gây ảnh hưởng đến nỗ lực quốc tế nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Thừa nhận những thách thức về mặt môi trường trong kế hoạch tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than, chính phủ Đức gọi kế hoạch này là một bước đi khó khăn nhưng cần thiết và cam kết đây chỉ là một động thái tạm thời.
Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo
Một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Đức đặt mục tiêu tăng tốc phát triển năng lượng mặt trời cùng với các dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết, việc mở rộng năng lượng tái tạo nhanh hơn là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc của Đức vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thời tiết lạnh giá tại châu Âu vào mùa đông sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành của nhiều công trình năng lượng tái tạo.
Nhập khẩu nhiên liệu dựa trên khí hydro sạch cũng có thể đóng vai trò trong việc tìm nguồn cung thay thế. Australia chính là một nhà cung cấp hydro tiềm năng cho châu Âu. Một nghiên cứu mới cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo của bang Nam Australia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia này trong cuộc đua cung cấp khí hydro sạch cho châu Âu thông qua cảng Rotterdam của Hà Lan.
"Chúng ta cần đầu tư vào năng lượng tái tạo và cần thực hiện điều đó nhanh chóng. Nếu bạn thực sự muốn đảm bảo có thể cung cấp nguồn năng lượng ổn định, giá cả phải chăng cho người dân, thì năng lượng tái tạo chính là câu trả lời", ông Frans Timmermans, phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu cho biết.
Link gốc