Hạ tầng điện ở Nigeria chưa được đầu tư đúng mức.
|
Nigeria là quốc gia một trong những quốc gia có sản lượng điện bình quân trên đầu người thấp nhất thế giới. Năm 2013, Nigeria có dân số khoảng 170 triệu người, nhưng quốc gia châu Phi này có tổng công suất lắp đặt nguồn điện chỉ gần 6.000 MW. Tình trạng mất điện, thiếu điện thường xuyên xảy ra tại Nigeria, với mỗi lần mất điện kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ.
30% tổng sản lượng điện ở Nigeria được cung cấp từ các nguồn phát điện tư nhân, dễ gây ảnh hưởng xấu với môi trường và không đảm bảo hiệu quả cũng như độ an toàn điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Nigeria buộc phải đầu tư máy phát điện với chi phí đầu tư cao để dự phòng trong thời gian bị mất điện. Đa số người dân Nigeria hiện vẫn sử dụng năng lượng truyền thống như: Gỗ, than củi, và các năng lượng sinh khối tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt như nấu ăn, sưởi ấm…
Tình trạng thiếu điện ở Nigeria được giải thích do sự thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ngành Điện: Đầu tư mới không đáp ứng được tốc độ phát triển của đất nước, hệ thống điện không thường xuyên được bảo dưỡng, chất lượng lưới truyền tải điện không đảm bảo… Bên cạnh đó, việc thiếu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy phát điện cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu điện ở Nigeria.
Trước tình trạng này, Chính phủ Nigeria đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng sản lượng điện. Để có đủ nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy phát điện, Nigeria đã đặt ra mục tiêu tăng mức sản xuất lượng khí đốt lên gấp 2,7 lần trong thời gian tới. Ngày 15/9/2014, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria, bà Diezani Alison-Madueke cho biết, Nigeria dự định sẽ tăng sản lượng khí từ mức khoảng 4 tỷ feet khối/ngày hiện nay lên đến 11 tỷ feet khối/ngày vào năm 2020.
Nigeria đặt mục tiêu tăng công suất phát điện của các nhà máy thủy điện lên 5.690 MW vào năm 2020, gấp bốn lần công suất so với mức năm 2012. Đất nước này lên kế hoạch tăng sản xuất thuỷ điện bằng cách nâng cấp các nhà máy thủy điện hiện tại và xây dựng các nhà máy mới như: Gurara II (công suất 360 MW), Zungeru (công suất 700 MW) và Mambilla (công suất 3.050 MW).
Bên cạnh đó, Nigeria cũng đã tiến hành thực hiện cổ phần hóa các công ty điện lực do Nhà nước sở hữu (PHCN), với hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và thúc đẩy phát triển ngành Điện.
Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2013, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 30.597 MW, với đa dạng các nguồn điện như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, tuabin khí, điện gió... Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa lưới điện quốc gia tới 100% số huyện, 99,08% số xã, 97,62% số hộ dân trên toàn quốc. |