Ông Khuất Quang Mậu ( người thứ 3 từ trái sang) thăm hỏi cán bộ kỹ sư và công nhân viên lao động làm việc trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (EVNGENCO3) nhân Tháng Công nhân 2017
|
PV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Đề án này?
Ông Khuất Quang Mậu: Kinh tế - xã hội phát triển thì việc tăng năng suất lao động là tất yếu. Đề án Nâng cao năng suất lao động của EVN giai đoạn 2016-2020 là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Những năm qua, ngành Điện đã đầu tư rất lớn vào các công trình nguồn điện cũng như xây dựng hệ thống các công trình truyền tải điện, đưa điện đến mọi miền đất nước (Hơn 98% số hộ dân được sử dụng điện), tổ chức bán điện trực tiếp tới khách hàng. Lực lượng lao động của ngành Điện đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đã đến lúc, chúng ta cần phải quan tâm đến chất lượng lao động và năng suất lao động, từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời tăng thu nhập chính đáng cho người lao động.
PV: Trong giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động của EVN tăng bình quân 6,8%/năm. Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động từ 8-10%/ năm. Theo ông, mục tiêu này có cao quá không?
Ông Khuất Quang Mậu: Chúng ta không thể nói một cách cảm tính, mục tiêu tăng năng suất lao động như thế là cao hay thấp! Việc tăng năng suất lao động cần phải tính toán một cách khoa học, hợp pháp, hợp lý vừa bảo đảm sức khỏe, lợi ích cho người lao động, vừa đảm bảo phát triển bền vững.
2 năm qua, EVN đã triển khai nhiều giải pháp về tổ chức quản lý, về KHCN… góp phần vào việc tăng năng suất lao động, trong đó có việc thắt chặt tuyển dụng; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý, tách bộ phận sửa chữa với bộ phận quản lý vận hành ở các khối sản xuất, truyền tải, phân phối điện…Có thế nói, xung quanh việc tăng năng suất lao động “chứa đựng” nhiều vấn đề, có rất nhiều việc cần làm ngay.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề hợp lý, hợp pháp khi thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động?
Ông Khuất Quang Mậu: Sự hợp lý chính là với khối lượng công việc cụ thể nào đó thì cần bao nhiêu người làm là vừa. Vấn đề quan trọng ở đây là nghiên cứu định mức lao động hợp lý. Tập đoàn đang xem xét, tính toán cơ cấu lao động từ khối nguồn điện đến các khối truyền tải, phân phối; sự hợp lý giữa lực lượng lao động trực tiếp với gián tiếp…Thực tế chúng ta vẫn còn có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động. Để giải quyết tình trạng này, không đơn giản là chuyển lao động từ chỗ thừa đến chỗ thiếu!
Về tính hợp pháp, đó là sự phù hợp với Luật Lao động, Luật Điện lực... Tăng năng suất lao động không có nghĩa là ép người lao động làm tăng ca, thêm giờ mà chính là tăng hiệu suất, kỹ năng lao động, giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí lao động, xây dựng định mức lao động cần tính toán hợp lý.
PV: Có ý kiến cho rằng, muốn tăng năng suất lao động cần nâng cao chất lượng lao động. Ông đánh giá thế nào về cơ cấu lao động hiện nay của Tập đoàn?
Ông Khuất Quang Mậu: Chất lượng lao động thấp, khó có thể tăng năng suất lao động, kể cả khi thực hiện những công việc giản đơn. Đặc biệt, khi ngành Điện đã ứng dụng nhiều thành tựu KHCN, hiện đại hóa nhiều khâu trong sản xuất kinh doanh, việc đào tạo, nâng cao trình độ của người lao động là rất cần thiết. Là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, lực lượng lao động của chúng ta hầu hết (96%) đã qua đào tạo, trong đó lao động có trình độ đại học 37,61%; trên đại học chiếm 2,8%; cao đẳng và trung cấp nghề chiếm 25,96%; công nhân kỹ thuật chiếm 31,65%.
Về cơ cấu lao động theo độ tuổi, lao động dưới 30 tuổi chỉ chiếm 19,07%; từ 30-39 tuổi là 43,72%; từ 40-49 tuổi chiếm 24,95%; từ 50-59 tuổi: 12,25%. Cơ cấu lao động theo độ tuổi có xu hướng già hóa, ảnh hưởng đến năng suất và bố trí lực lượng lao động. Đây cũng là một trong những khó khăn khi thực hiện những mục tiêu tăng năng suất lao động.
PV: Một trong những vấn đề người lao động rất quan tâm đó là cơ chế tiền lương, thu nhập. Ông có cho rằng, tăng năng suất phải “song hành” cùng mức tăng thu nhập cho người lao động?
Ông Khuất Quang Mậu: Tăng năng suất lao động, bản chất là sự sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, áp dụng những công nghệ mới, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Khi hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng, thu nhập của người lao động cũng phải được tăng theo. Hiện nay, EVN đang nghiên cứu đổi mới cơ chế tiền lương, bảo đảm việc tăng năng suất lao động tỷ lệ thuận với tăng thu nhập cho người lao động.
PV: Có thể thấy, EVN đang triển khai nhiều giải pháp sử dụng một cách hợp lý nguồn nhân lực. Như vậy, các hoạt động đoàn thể nói chung và hoạt động công đoàn nói riêng liệu có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Ông Khuất Quang Mậu: Thực tế, khi người lao động tập trung cao độ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì có thể không có nhiều thời gian quan tâm hoặc tham gia các hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc, điều chỉnh hợp lý để không tạo áp lực quá lớn với người lao động. Về phía công đoàn, chúng tôi cũng chủ động điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới. Cụ thể, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ giảm những hoạt động bề nổi, lựa chọn những vấn đề chuyên sâu, thiết thực hơn với người lao động. Đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, bất bình đẳng. Công đoàn phải làm tốt vai trò phối hợp tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo đơn vị và người lao động.
PV: Xin cảm ơn ông!
Một số chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020:
- Đảm bảo mức tăng trưởng điện bình quân 10,5 - 11%/năm;
- Năng suất lao động bình quân tăng từ 8 - 10%/năm.
- Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN từ 2016 giảm xuống còn 10 ngày;
- Huy động đủ vốn đáp ứng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 trên 610.000 tỷ đồng
- Đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo hầu hết các hộ dân nông thôn có điện và hoàn thành điện khí hóa toàn quốc.
Đến năm 2020:
- Điện thương phẩm: 234 - 240 tỷ kWh;
- Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống: Khoảng 262 - 270 tỷ kWh;
- Điện sản xuất của các nhà máy điện trong EVN: Khoảng 35 - 40% tổng nhu cầu;
- Tỷ lệ điện tự dùng cho truyền tải và phân phối: 6,5%;
- Sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/CBCNV;
- Độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân (SAIDI) giảm xuống còn 400 phút/khách hàng/năm.
|