Công điện số 4992 của EVN về triển khai ứng phó cơn bão số 3

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có công điện số 4992/EVN-AT ngày 06/9/2024 gửi các đơn vị thành viên về việc triển khai ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI).

I. THÔNG TIN CHUNG 

- Hiện trạng bão: Hồi 07 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15- 20km/h. 

- Dự báo diễn biến báo (trong 24 đến 48 giờ tới): Cập nhật thông tin theo đường link: https://nchmf.gov.vn/Kttvsite/vi-VN/1/tin-bao-khan-cap-con-bao-so-03-post47204.html 

II. YÊU CẦU 

II.1. Yêu cầu chung 

1. Khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan tại Công điện số 86/CĐTTg ngày 03/9/2024, số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, số 6650/CĐ-BCT ngày 04/9/2024, 6751/CĐ-BCT ngày 06/9/2024 của Bộ Công Thương và số 4945/CĐ-EVN ngày 03/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. 

2. Thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp được đăng tải trên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn của Tập đoàn. 

3. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do bão gây ra trong thời gian nhanh nhất. 

4. Tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ. 

5. Các đơn vị không được chủ quan, tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nguồn lực, phương án để khẩn trương khắc phục thiệt hại khi bão đi qua, đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác. 

6. Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão phải cập nhật báo cáo, số liệu lên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn trước 07h00, 15h00 hàng ngày. Trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại lớn do bão gây ra, đơn vị cần nhanh chóng cung cấp thông tin sơ bộ về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn. 

II.2. Yêu cầu cụ thể 

1. Các Công ty Thủy điện 

a) Chủ động đề xuất, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/đơn hồ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. 

b) Rà soát kiểm tra hệ thống thiết bị, hệ thống nâng hạ cửa xả để bảo đảm luôn sẵn sàng hoạt động. 

c) Phối hợp chặt chẽ với NSMO để khai thác hiệu quả nguồn nước, hạn chế xả thừa. 

2. Các Công ty/Nhà máy Nhiệt điện 

a) Rà soát phương án cấp điện dự phòng cho các phụ tải tự dùng quan trọng, phương án dự phòng nhiên liệu bảo đảm cho sản xuất. Rà soát, kiểm tra nhà xưởng, kho bãi, các khu vực có nguy cơ úng ngập, sẵn sàng phương án ứng phó. 

b) Thực hiện kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của hệ thống cầu cảng, hệ thống thiết bị; hệ thống chống sét và tiếp đất; kho chứa và hệ thống vận chuyển nhiên liệu; hệ thống thải, chứa tro xỉ; hệ thống bơm làm mát bảo đảm vận hành an toàn và bảo đảm môi trường. 

3. Các Ban Quản lý dự án 

a) Yêu cầu các nhà thầu kiểm tra hệ thống thoát nước mặt, khơi thông dòng chảy bảo đảm khả năng tiêu, thoát nước, tránh ngập úng, sạt trượt tại các dự án đang trong quá trình thi công, xây dựng. 

b) Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và Công nghệ EVN chủ trì rà soát các phương án ứng phó với bão tại Tòa nhà EVN (số 11 Cửa Bắc, TP Hà Nội). 

4. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia 

a) Tổ chức đoàn kiểm tra cấp Tổng Công ty. 

b) Chỉ đạo các đơn vị: (i) Kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư; khu vực xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông); (ii) Rà soát hành lang tuyến, kiểm tra, xử lý cây cối, vật thể bay có khả năng ngã đổ, ảnh hưởng vào đường dây, trạm biến áp; lưu ý các khu vực ngập úng, nước dâng cao có khả năng vi phạm khoảng cách pha đất, nếu không bảo đảm an toàn phải cắt điện; (iii) Đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 220kV, 500kV, sẵn sàng phương án ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm. 

c) Tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực tại các khu vực dự kiến bão đổ bộ. 

d) Tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng các phương án để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện bảo đảm an toàn. 

e) Kiểm tra, đánh giá rủi ro mất kết nối các tuyến cáp quang do Tổng công ty quản lý và các tuyến cáp quang trao đổi với các nhà mạng viễn thông; rà soát và chuẩn bị tốt các phương án ứng cứu sự cố hệ thống thông tin. 

5. Các Tổng công ty Điện lực 

a) Tổ chức đoàn kiểm tra cấp Tổng công ty. 

b) Chỉ đạo các đơn vị: (i) Kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư; khu vực xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông); (ii) Tăng cường kiểm tra xử lý cây cối, vật bay có khả năng ngã, đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp; lưu ý các khu vực ngập úng, nước dâng cao có khả năng vi phạm khoảng cách pha đất, nếu không bảo đảm an toàn phải cắt điện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về an toàn điện cho nhân dân; (iii) Đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 110kV, 220kV, sẵn sàng phương án ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm; (iv) Kiểm tra và có phương án ứng phó thiên tai đối với các TBA 110kV: Mông Dương 1, Yên Cư, Vân Đồn 2 và các TBA có nguy cơ rủi ro khác. 

c) Chỉ đạo các đơn vị trang bị Diesel dự phòng để cấp điện cho phụ tải quan trọng khi có yêu cầu. 

d) Tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực tại các khu vực dự kiến bão đổ bộ. 

e) Chỉ đạo các đơn vị lập các đội xung kích, sẵn sàng huy động tham gia khắc phục hậu quả sau bão, bao gồm: danh sách các thành viên, các phương tiện, dụng cụ. Tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng các phương án để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện sau khi bão đổ độ. 

f) Chỉ đạo Trung tâm chăm sóc khách hàng cập nhật ảnh hưởng của bão đến tình hình cung cấp điện để kịp thời giải đáp, thông tin cho khách hàng. 

g) Kiểm tra, đánh giá các tuyến cáp quang do Tổng công ty quản lý và các tuyến cáp quang trao đổi với các nhà mạng viễn thông; rà soát và chuẩn bị tốt các phương án ứng cứu sự cố hệ thống thông tin. 

h) Chỉ đạo các đơn vị kiểm đếm xác định rõ số lượng, các nguồn vật tư dự phòng để chủ động huy động nhanh chóng, hiệu quả. 

i) Chỉ đạo các đơn vị liên hệ các đơn vị thi công sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để khắc phục ảnh hưởng của cơn bão. 

j) Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác phòng chống thiên tai theo các văn bản chỉ đạo của Tập đoàn. 

k) Lãnh đạo EVNNPC, EVNHANOI, Các CTĐL (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và các đơn vị bị ảnh hưởng) chuẩn bị sẵn sàng phương án nhanh chóng khôi phục cấp điện sau bão đảm bảo an toàn. 

6. Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin 

a) Rà soát phương án vận hành, ứng cứu sự cố cho hệ thống mạng viễn thông và công nghệ thông tin của Tập đoàn, bảo đảm các kênh truyền thông suốt phục vụ công tác điều độ hệ thống điện, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. 

b) Đảm bảo vận hành liên tục, thông suốt website PCTT&TKCN của Tập đoàn. Phối hợp Ban AT cập nhật thường xuyên, đầy đủ diễn biến của thời tiết, các hình thái thiên tai và văn bản chỉ đạo các cấp. 

7. Trung tâm Thông tin Điện lực 

a) Tổng hợp, cung cấp thông tin về tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão của Tập đoàn. 

b) Thường xuyên cập nhật, đăng tải Thông cáo báo chí về ảnh hưởng của bão và công tác khắc phục để truyền thông chủ động, kịp thời các hoạt động, nỗ lực của Tập đoàn. 

8. Công đoàn Điện lực Việt Nam

Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với Chính quyền đồng cấp trong công tác PCTT&TKCN, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho lực lượng CBCNV tham gia khắc phục hậu quả của bão, đồng thời chăm lo, hỗ trợ kịp thời các gia đình CBCNV bị thiệt hại do bão gây ra. 

9. Các Ban/ Văn phòng Tập đoàn

Ban AT nắm bắt thông tin để kịp thời cập nhật các dự báo, đánh giá về mức độ và ảnh hưởng của cơn bão YAGI; tham mưu lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị.

Văn phòng Tập đoàn chỉ đạo EVNCTI tăng cường công tác an toàn, phòng chống lụt bão tại tòa nhà EVN.

Ban AT chủ trì phối hợp Ban KTSX, Ban VTCNTT tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó của các đơn vị trong Tập đoàn. Tổ chức kênh thông tin thông suốt đến các đơn vị để kịp thời cập nhật các ảnh hưởng trước, trong và sau khi bão đổ bộ và công tác khắc phục của các đơn vị.

Tập đoàn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.

Xem chi tiết Công điện số 6751/CĐ-BCT tại đây.

Xem chi tiết Công điện số 4992/EVN-AT tại đây.


  • 06/09/2024 11:54
  • EVN
  • 446