Công ty Điện lực Yên Bái: “Cõng” điện đến Đá Đen

Xã An Lương (huyện Văn Chấn) là một trong những xã vùng sâu, nghèo nhất của tỉnh Yên Bái và Đá Đen là thôn khó khăn nhất của xã này. Gần nửa tháng vượt suối, vượt núi để kéo dây, trồng cột mang ánh sáng tới cho đồng bào Dao thôn Đá Đen chắc hẳn sẽ trở thành kỷ niệm khó quên của những người thợ điện nơi đây.

Con đường dân sinh lổn nhổn sỏi đá từ trung tâm xã tới thôn Đá Đen chỉ khoảng 2 km nhưng cơ man dốc, đèo. Ấy là chưa kể vào mùa lũ, nếu nước dâng cao quá chiếc cầu phao tròng trành vắt ngang con suối rộng, thì Đá Đen sẽ rơi vào tình cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Ông Đặng Văn Tam - Trưởng thôn Đá Đen chia sẻ, được thành lập từ năm 1969, gần 50 năm qua, các hộ dân ở đây vẫn gắn bó với ngọn đèn dầu leo lét. Một số gia đình sử dụng điện bằng máy phát mini đặt ở các con suối, nhưng điện lúc có, lúc không. 

“Vừa rồi, thợ điện vượt suối, vượt núi kéo điện về đây, bà con thôn Đá Đen vui lắm. Do địa hình quá khó khăn, chúng tôi không dám nghĩ có một ngày được dùng điện quốc gia như thế này" - ông Tam hồ hởi. 

 

- Công trình đưa điện lưới quốc gia về thôn Đá Đen nằm trong chuỗi các hoạt động của Tháng Tri ân khách hàng năm 2018 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, do Đoàn Thanh niên Tổng công ty phối hợp với Công ty Điện lực Yên Bái triển khai

- Công trình có tổng vốn đầu 250 triệu đồng, đã đóng điện ngày 15/12/2108.

Dù chỉ kéo khoảng 1 km đường dây, đưa điện từ Nhà máy Thủy điện Thác Cá về thôn Đá Đen, nhưng khó có thể nói hết nỗi gian nan mà những thợ điện của Công ty Điện lực Yên Bái đã trải qua trong khoảng 10 ngày thi công.

Chị Lại Thị Kim Thu - Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) cho biết, để vận chuyển được những cột điện dài 7,5 m vào thôn Đá Đen, Công ty đã phải sử dụng loại cột điện thép đặc biệt. Mỗi cột được chia thành 3 đoạn, để dễ vận chuyển bằng xe máy hoặc dùng sức người, do xe ô tô không thể đi vào thôn.

Cũng theo chị Thu, 19 cột điện tương đương với 57 đoạn và trên 1.000 m dây cáp điện được người dân và thợ điện chung sức “cõng” qua cầu phao, qua suối để đi vào thôn Đá Đen. Vất vả không kể siết.

Anh Nguyễn Ngọc Chiến – Công nhân Điện lực Nghĩa Lộ (thuộc Công ty Điện lực Yên Bái) chia sẻ, do đường xá đi lại khó khăn, nên anh em công nhân điện lực phải ở tạm tại lán của Thủy điện Thác Cá, cách thôn khoảng 4 km để thuận tiện triển khai công tác. Về sau, có những ngày trời mưa, đường trơn trượt, 1 km cũng không thể đi nổi nên thợ điện phải ở lại hẳn trong thôn. Anh em chia thành từng nhóm, cứ 2 người ở nhờ một nhà. Dân bản nghèo lắm, nhưng giúp đỡ thợ điện hết lòng. Không chỉ giúp kéo dây, vận chuyển vật tư, cho ở nhờ, mà họ còn nấu cơm, nấu mì cho thợ điện - anh Chiến cho hay.

Thời điểm triển khai công trình đúng vào lúc thời tiết miền Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thời tiết không thể làm nản lòng những người thợ điện cũng như hàng trăm người dân thôn Đá Đen. Và sau những ngày gian nan, “quả ngọt đã được hái”, đó là ánh sáng của điện lưới quốc gia đã bừng sáng trên 37 nếp nhà của bà con thôn Đá Đen.

“Tôi còn nhớ ngày đóng điện, có một cụ già đã 80 tuổi ở trong thôn cứ thắc mắc, sao cả bản có điện rồi mà nhà bà vẫn không sáng. Đến kiểm tra, hóa ra bà không bật công tắc. Khi đèn bừng sáng, cụ cứ ôm cánh tay tôi cảm ơn rối rít” - anh Chiến chia sẻ.

Ông Đặng Văn Tam cho hay, có điện, đời sống bà con từ nay sẽ khởi sắc. Giờ đây, đi trong thôn, đã có thể nghe thấy tiếng loa đài, tivi rộn rã. Có điện, cũng sẽ tạo đà cho người dân thôn Đá Đen phát triển nghề sản xuất đồ gỗ, đóng mộc vốn có từ lâu. Nhất định, Tết năm nay ở Đá Đen sẽ sáng hơn, vui hơn. 

Một số hình ảnh về hành trình "cõng điện" về thôn Đá Đen:

Vận chuyển vật tư qua cầu phao vào thôn Đá Đen 

Phải là những tay lái "lụa" mới chở vật tư vượt qua được cung đường này

Các đoạn cột điện đã được lắp ghép tạo thành cột điện cao 7,5 m đúng tiêu chuẩn

Người dân và thợ điện chung tay kéo đường dây

Vào những hôm trời mưa, đường trơn trượt, việc di chuyển ở thôn Đá Đen gặp rất nhiều khó khăn


  • 26/12/2018 08:51
  • Bài: Thùy Lê - ảnh: Kim Thu
  • 22394