Điện lưới quốc gia đã vươn tới 98,86% các hộ dân sinh sống trên cả nước, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân ngày càng có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, một số đảo xa bờ vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện chất lượng cao, nên kinh tế chưa phát triển được như kỳ vọng.
Nhân viên điện lực khảo sát và kiểm tra hệ thống điện mặt trời trên đảo xa bờ. Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Sống khỏe nhờ năng lượng sạch
Trước đây, điều kiện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của bộ đội trên các đảo ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn do không có hoặc thiếu điện. Ở những đảo có điều kiện tốt nhất cũng chỉ có điện chạy bằng máy chạy dầu đi-ê-den, phát điện một vài giờ buổi tối, hầu như chỉ đủ thắp sáng, trong khi khí thải từ máy phát điện khiến nhiều người cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác, điện lưới quốc gia hoặc điện từ nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) đang làm đổi thay từng ngày diện mạo kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên các đảo.
Chúng tôi đến thăm các đảo xa bờ trong một ngày hè nóng nực đầu tháng 6 năm nay. Ghé thăm nhà chị Trần Thị Tiệm (Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nhiều người lần đầu tiên ra thăm đảo thấy ngỡ ngàng khi thấy quạt điện chạy vù vù và đầu video phát phim hoạt hình phục vụ lũ trẻ trong những ngày hè.
“Người dân chúng tôi phấn khởi lắm, vì mọi thứ trong sinh hoạt, sản xuất giờ đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Có điện, chúng tôi không còn phải chịu nóng, các cháu nhỏ được coi phim hoạt hình, việc tăng gia sản xuất của chúng tôi cũng thuận lợi hơn rất nhiều…”, chị Tiệm nói. Chị hồ hởi chia sẻ thêm, với âu tàu hiện có trên đảo và nếu có điện công suất cao hơn, các hộ dân sẵn sàng tham gia cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, tăng hiệu quả đánh bắt, kinh doanh hải sản, đồng thời góp phần xây dựng, đưa kinh tế xã đảo phát triển tốt hơn…
Tuy vậy, nguồn năng lượng tại đảo vẫn phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, điện có thể phát đủ dùng cho nhu cầu cơ bản trên đảo, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nếu thời tiết không thuận lợi, điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng thiếu thốn, chưa nói độ mặn của nước biển ngoài khơi xa cao hơn nhiều so với vùng biển gần bờ nên gây ảnh hưởng lớn đến phương tiện, máy móc cũng như hệ thống phát, truyền điện trên đảo.
“Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gió biển đưa theo hơi nước biển rất mặn ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất của đảo; trong đó có hệ thống phát điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió”- hầu hết lãnh đạo các xã đảo đều khẳng định với chúng tôi như vậy.
Quyết không để thiếu điện trên đảo
Thực tế, chúng tôi đã nhiều lần ra thăm các đảo xa bờ sử dụng tuốc-bin tạo điện từ năng lượng gió và cũng đã chứng kiến việc cùng lúc có nhiều tuốc-bin không thể quay do gió-muối làm han gỉ nhiều bộ phận. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ hơn để cải tiến, nâng cao chất lượng trang bị, bảo quản hệ thống cung cấp điện ở các đảo xa bờ.
Dẫn đầu đoàn công tác ra thăm, tặng quà và khảo sát hệ thống cấp điện ở các đảo xa bờ, ông Phạm Mạnh Thắng, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo: “Trong chuyến đi này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát tình hình thiết bị cung cấp điện trên đảo, phối hợp với Quân chủng Hải quân bàn giải pháp. Nếu được Chính phủ, Bộ Quốc phòng đồng ý, EVN sẽ nhận chuyển giao để quản lý, đầu tư và vận hành. Trước mắt, EVN sẽ khảo sát, đầu tư nâng cấp để cung cấp đủ điện cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo có cuộc sống, có điều kiện sinh hoạt và luyện tập tốt hơn”.
Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc khẳng định, khi tiếp quản quản lý, vận hành và đầu tư hệ thống điện trên các đảo xa bờ, EVN chắc chắn sẽ bảo đảm nguồn cung cấp điện năng “để các đảo sáng hơn và góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở các đảo xa bờ, đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của nhân dân”. Điều đó cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm cho vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ở những vùng này. Thực hiện chủ trương đó, EVN đã đưa điện lưới tới 98,86% số hộ dân. Lưới điện Việt Nam đã vươn tới cả những vùng sâu, vùng xa và 9/12 huyện đảo của cả nước. Nhờ vậy, hệ thống điện Việt Nam đang được xếp hạng thứ 30 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.
Tham dự các buổi họp và được nghe những người có trách nhiệm của EVN đưa ra những lời hứa như vậy, người dân ở các đảo xa bờ rất phấn khởi. Ai cũng mong đợi sẽ có ngày nguồn điện cung cấp cho các đảo xa bờ ổn định hơn, công suất cao hơn để không chỉ phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày, mà còn có thể vận hành được cả những máy móc hiện đại nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con. Khi ấy, bà con chắc chắn sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển, đúng như định hướng và mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng, đặc biệt là trong các văn kiện đại hội Đảng.
Thực tế cho thấy, rất nhiều đảo của chúng ta sau khi được cung cấp điện ổn định, đầy đủ đã phát triển rất mạnh về mọi mặt, đặc biệt là phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch, khiến cho bộ mặt những hòn đảo này gần như thay đổi hoàn toàn, chất lượng đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Bà,… là những minh chứng thuyết phục cho điều này.
Hy vọng, trong tương lai không xa, các đảo xa bờ của chúng ta cũng sẽ sớm được tiếp cận với những nguồn điện chất lượng cao hơn, để những hòn đảo ấy trở thành những "viên ngọc" tỏa sáng lung linh giữa biển, chứ không còn là những "viên ngọc thô” chưa phát huy được hết vẻ đẹp và thế mạnh tiềm ẩn như hiện nay…