Dấu ấn trên công trình 500 kV mạch 3

Việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành ổn định đường dây (ĐD) 500 kV mạch 3 Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, đã góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả hệ thống truyền tải điện siêu cao áp Bắc - Nam. Ý nghĩa đặc biệt của công trình này đã và đang được phát huy từng ngày, nhất là nhiệm vụ đảm bảo “Điện cho miền Nam”.

Cao điểm “55 ngày đêm”

Đường dây 500 kV mạch 3 được xây dựng với quyết tâm rất cao của chủ đầu tư và tất cả các nhà thầu. Chuyện tăng ca, làm thêm giờ, hay thậm chí là làm “xuyên đêm” không phải là chuyện lạ trên công trường, nhất là vào những thời điểm nước rút quan trọng. Chiến dịch “55 ngày đêm” chạy đua cùng thời gian chính là một trong những cao điểm căng thẳng, vất vả nhất của người lao động và để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

“Mấy chục ngày liền ăn công trường, ngủ công trường, một buổi sáng đẹp trời bỗng nhận được tin nhắn của vợ “Anh à, hạnh phúc là gì?”, tôi mới giật mình tự vấn: Hạnh phúc với mình lúc này chính là đảm bảo tiến độ cho công trình…” Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám  đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) bộc bạch. Chỉ một câu chuyện giản dị đó thôi, chúng tôi cũng đã có thể hiểu phần nào về sự hy sinh của những người tham gia xây dựng công trình này. Rất nhiều anh em thuộc các công ty xây lắp cũng có quê từ mọi miền đất nước, cùng cảnh xa gia đình, người thân và cùng dầm mưa dãi nắng trên công trường. Vậy mà họ lúc nào cũng vui tươi, lạc quan, yêu đời… Ông Nguyễn Hữu Ý, Phó giám đốc Công ty Xây lắp điện 2, cho chúng tôi biết, trong cao điểm “55 ngày đêm”, nhiều anh em cả tuần liền không được tắm. Ăn tranh thủ, ngủ cũng tranh thủ, thi công mọi thời gian có thể trong ngày vì tinh thần “Điện cho miền Nam” nên không ai thấy mệt, thấy buồn nữa…

Chúng tôi cũng đã có nhiều chuyến công tác cùng các đoàn giám sát của chủ đầu tư (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) trong cao điểm “55 ngày đêm”, tận mắt chứng kiến cảnh làm việc vất vả dưới thời tiết khắc nghiệt, nhưng tinh thần lao động của công nhân xây lắp điện vẫn rất hăng say. Không ít lần trời đang nắng chang chang, bỗng mưa sầm sập kéo đến, mưa trắng trời  hàng giờ liền… Anh em đang thi công trên công trường (đoạn đi qua địa bàn huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh) vừa đội nắng, lại đội mưa, cộng với thức đêm nhiều, làn da cứ đen sạm màu sương gió… Thế mới biết, để có được thành công của công trình này, có biết bao mồ hôi, nước mắt và tâm sức của những người làm điện đã đổ xuống… Rất thầm lặng và rất đáng trân trọng, tự hào!

Thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực cao, đảm bảo tiến độ công trình. Ảnh: AMT cung cấp

Những bài học thành công

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng của một trong những công trình đặc biệt quan trọng đối với hệ thống điện miền Nam như ĐD 500 kV mạch 3, có rất nhiều bài học về thành công thấm đẫm cả nụ cười và nước mắt. Một trong những bài học thành công – và đồng thời cũng là “kỷ niệm để đời” đó chính là câu chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đền bù giải phóng mặt bằng đối với bất kỳ dự án điện nào cũng đều nan giải, nhưng với ĐD 500 kV mạch 3, do đi qua nhiều địa bàn, trải dài trên nhiều tỉnh thành khác nhau, tính phức tạp càng gia tăng. Riêng tại địa phận thành phố Hồ  Chí Minh – “tấc đất tấc vàng”, việc giải phóng, đền bù vô cùng khó khăn. Các đơn vị ngành Điện đã phải tranh thủ tận dụng sự ủng hộ của chính quyền địa phương, vận dụng sáng tạo cơ chế đền bù kiểu “cuốn chiếu”. Còn đối với địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước – nơi đường dây đi qua hầu hết là diện tích thuộc các rừng cao su có giá trị  kinh tế cao, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phát sinh những vấn đề mới. Mặc dù đoàn công tác của Chính phủ do đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đã đến tận địa phương làm việc, đốc thúc chính quyền vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian sau đó các “nút thắt” mới được tháo gỡ. Theo lời kể của anh em làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuộc AMT, có người dân thậm chí còn vác dao dọa chém khi nhìn thấy người ngành Điện đến… Anh em đã phải kiên trì, nhẫn nhịn, thuyết phục theo rất nhiều cách, kể cả tình và lý, để có được mặt bằng sạch cho Dự án mà vẫn không ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc AMT, cho biết thêm, tại địa bàn huyện Chư Prông (Tỉnh Gia Lai) – một trong những địa phương làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án, bài học thành công chính là dựa vào dân, ăn ngủ cùng dân! Anh em trong Ban AMT trước khi nói chuyện giải phóng mặt bằng, đã phải học làm thân, uống  rượu với bà con, thậm chí là “học nói tiếng Ê Đê, Gia Lai dù chỉ vài câu bập bẹ”. Có như vậy, đồng bào mới thương, mới đồng thuận di dời để nhường đất cho Dự án một cách vui vẻ!

“Bài toán tổng mặt bằng tìm  được lời giải là 1/3 công trình đã tìm được đường đến thành công. Anh em ai cũng xác định rõ điều đó, nên đã cố gắng vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt nhất các phương án khác nhau, vất vả lắm nhưng như vậy thì thành công mới càng đáng quý” – ông Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng giám đốc EVN NPT, khẳng định. Bản thân ông Lẫm cũng là người gắn bó, lăn lộn với công trình này từ khi còn phôi thai đến thời khắc đóng điện hoàn công, nên có rất nhiều kỷ niệm mà theo ông, “sẽ đi đến cuối cuộc đời”… Trong đó, ông Lẫm đặc biệt ấn tượng về một “bữa tiệc kỳ lạ, hoành tráng và ấm cúng” ngay trên công trường, do chủ đầu tư và chính quyền địa phương tổ chức cho anh em công nhân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2013. “Ăn, ngủ, làm việc và đón Tết ngay trên công trường” – Với ông Lẫm, đó là những trải nghiệm cực kỳ thú vị mà không phải ai cũng có được…

Đến nay, sau hơn nửa năm đi vào vận hành, đường dây 500 kV mạch 3 đã đảm nhận tốt vai trò lịch sử của mình trong việc “chia lửa” cho hệ thống ĐD truyền tải siêu cao áp 500 kV mạch 1 và 2, góp phần đảm bảo điện cho miền Nam. Giai đoạn xây dựng nhiều gian nan đã trôi qua, nhưng với những người đã từng tham gia xây dựng và gắn bó với công trình, có rất nhiều dấu ấn sẽ mãi mãi còn lưu giữ trong ký ức…
 

Anh Kapa Yăng - Người dân xã Ia Băng - huyện Chư PRông, tỉnh Gia Lai:

"Gia đình mình cũng thuộc diện phải di dời, nhường đất cho đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Mình đã chấp hành nghiêm chỉnh và thấy rất hài lòng với chính sách đền bù. Cán bộ điện cũng giải thích rất dễ hiểu. Vì vậy, mình cũng tham gia giúp cán bộ điện tuyên truyền, vận động các hộ gia đình khác đồng tình di dời để xây dựng công trình điện . Cũng có gia đình không đồng tình đấy, nhưng mình cứ kiên trì đi vận động cùng cán bộ điện, sau nhiều lần thì họ cũng đồng ý..”.

Ông Lê Đình Quang - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT):

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi chính là đêm cuối cùng trước ngày hoàn công, đóng điện công trình. Đó là một đêm trắng đúng nghĩa, anh em phải thức để hoàn thiện nốt các hạng mục cuối cùng của công trình tại địa điểm Rừng Lạnh, huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông. Sau bữa ăn tối cấp tốc tại chỗ, tất cả lực lượng thi công đều phải làm việc liên tục. Nhưng đêm trong rừng rất tối, trời càng về khuya, ánh sáng càng yếu và thiếu. Mỗi khi cần thao tác, các đơn vị phải huy động cả đèn xe, đèn pin chiếu lên vị trí công tác mới có thể làm việc được. Nhất là  khi có anh em phải  trèo lên cột là tất cả những người còn lại đều phải huy động hết các nguồn sáng có thể, đảm bảo an toàn cao nhất.
Không khí làm việc khẩn trương kéo dài đến gần 5h sáng hôm sau, mọi công việc cuối cùng phục vụ cho đóng điện đường dây đã được hoàn thành. Tất cả anh em đều thở phào, dự định sau khi ra khỏi công trường sẽ "liên hoan một bữa" mừng thành công. Nhưng tìm được đường ra khỏi rừng thì trời đã sáng, vừa mệt vừa thiếu ngủ, anh em đã về ngủ bù, quên mất cả liên hoan.”

Ông Trần Quốc Lẫm – Phó TGĐ EVN NPT:

Đối với việc xây dựng các công trình truyền tải, thông thường có 3 "tổng" mà chúng tôi phải giải quyết: Đó là "tổng mặt bằng", "tổng chi phí" và "tổng tiến độ". Giải được bài toán "3 tổng" này tức là đảm bảo công trình sẽ thành công. Tất nhiên, đối với từng dự án khác nhau, các bài toán cụ thể lại đặt ra những yêu cầu khác nhau, nên các giải pháp cũng cần phải được vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo.
Riêng đối với công trình này, theo tôi, bài học về giải phóng mặt bằng dựa vào chính quyền địa phương và lòng dân là đáng để ghi nhớ nhất, có thể áp dụng ngay với các dự án khác mà EVN NPT đang và sẽ triển khai thời gian tới.

Ông Bùi Viết Hội - Chủ tịch UBND huyện Chư PRông (Gia Lai):

Ngoài sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, thì người trực tiếp làm công tác đền bù GPMB phải là người giỏi dân vận, giỏi tuyên truyền. Muốn làm được điều đó, trước hết phải nói được tiếng dân tộc, hiểu văn hóa  dân tộc, từ đó có thể lựa chọn cách thức dân vận, tuyên truyền nào phù hợp nhất. Nói chuyện với đồng bào tốt nhất nên bằng tình cảm, sự chân tình, chứ không thể đưa "thông tư, nghị định" này nọ ra được. Vì họ không hiểu và cũng sẽ không muốn hiểu, không thích nghe các quy định mà  theo họ là "rất dài và khó nhớ"...
Tôi cũng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban AMT trong công tác này tại địa phương. Cán bộ của AMT làm chuyên môn nhưng cũng rất giỏi tuyên truyền, dân vận và nhất là chịu khó gần dân. Tôi nghĩ đây là bài học lớn cho các dự án nói chung chứ không riêng gì ngành Điện có thể áp dụng.

 


  • 19/02/2015 09:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2991


Gửi nhận xét