Đầu tư - Xây dựng năm 2015: “Vụ mùa” bội thu

Năm 2015 - năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao. 9.852 MW đưa vào vận hành trong 5 năm, trong đó riêng năm 2015 đã tăng 3.314 MW công suất nguồn cho hệ thống điện là những thành quả của một “vụ mùa” bội thu.

Vượt khó - Vượt tiến độ
 
Năm 2015, EVN đã đưa vào phát điện 7/7 tổ máy với tổng công suất 3.314 MW; hoàn thành đóng điện 231 công trình lưới điện từ 110-500 kV. Các dự án, công trình điện đã hoàn thành và đi vào vận hành đạt hiệu quả cao, đáp ứng tiến độ đấu nối các nguồn điện mới và nhu cầu phát triển phụ tải. 
 
Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm về nguồn và lưới điện đều vượt tiến độ, góp phần quan trọng vào việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh với chất lượng điện năng ngày càng cao.
 
Sự kiện hòa lưới Tổ máy số 1, Nhà máy Thủy điện Lai Châu vào hệ thống điện quốc gia ngày 14/12/2015 (sớm 3 tháng so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao) có ý nghĩa rất lớn, mở ra triển vọng hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm 1 năm so với tiến độ được duyệt.
 
 

Công ty Truyền tải điện 1 nâng dung lượng tụ bù dọc Đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh 

 
Để có được thành công này, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt, kiên trì bám máy, bám công trường, làm việc 3 ca liên tục, hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ.
 
Đặc biệt, Ban quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu đã biết tận dụng mọi yếu tố để rút ngắn thời gian thi công; có nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật hợp lý như: Tăng chiều sâu xả tràn từ 15 m lên 20 m; bố trí công trình xả sâu độc lập với công trình xả tràn, giảm thời gian xây dựng đập; tăng tiến độ nâng đập bê tông đầm lăn vai phải, mỗi ngày bình quân nâng lên 3,5 lớp x 30cm - một kỉ lục nâng đập ít thấy trên thế giới...
 
Trước đó, ngày 14/10/2015, đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu phục vụ truyền tải công suất của Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc vào Hệ thống điện quốc gia đã hoàn thành đóng điện, vượt tiến độ 16 ngày so với yêu cầu của EVN và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.
 
Có thể nói, đây là một sự nỗ lực đáng kể của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), bởi dự án đi qua địa hình núi cao, vực sâu hiểm trở, hay xảy ra sạt lở đất... nên quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, với quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, EVNNPT đã xây dựng được các kịch bản ứng phó với mọi tình huống như: Thời tiết nắng mưa thất thường; thống nhất với các địa phương về lịch cắt điện phục vụ thi công; lãnh đạo các đơn vị thi công cũng thường xuyên ứng trực trên công trường, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc… 
 
Trong năm 2015, nhiều dự án, công trình trọng điểm cấp điện cho miền Nam cũng đã được hoàn thành như: Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh; nâng công suất trạm 500 kV Ô Môn; các công trình lưới 220 kV-500 kV đấu nối với các dự án nguồn điện lớn như Trung tâm NĐ Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng 1, Thủy điện Đồng Nai; các công trình lưới điện quan trọng đảm bảo cấp điện cho thành phố Hà Nội; các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc như TBA 200 kV Tây Hồ, đường dây 220 kV Vân Trì – Chèm, đường dây 220 kV Thường Tín - Kim Động… 
 
Đáng nói, trong số các dự án này, có không ít dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, điển hình là đường dây 220 kV Cầu Bông - Đức Hòa, giải tỏa công suất cho TBA 500 kV Cầu Bông.
 
Tính đến tháng 10/2015, dự án vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, dù Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần có công điện yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư...
 
Xác định tính cấp bách của Dự án, EVNNPT đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương làm việc với người dân, thống nhất phương án đền bù. Nhờ đó, đến ngày 22/12/2015, Dự án đường dây 220 kV Cầu Bông - Đức Hòa đã đóng điện thành công.
Cùng với những nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành vượt tiến độ các công trình, đưa vào vận hành kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, trong năm 2015, EVN cũng đã khởi công hàng trăm công trình nguồn và lưới điện quan trọng, triển khai đưa điện lưới quốc gia tới tận các bản làng, vùng sâu núi cao, ra biển đảo xa xôi…
 
Điển hình như: Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim; Đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Uyên; Dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang), 5 xã huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), mở rộng dự án cấp điện cho vùng sâu tỉnh Sơn La... đáp ứng nhu cầu cấp điện an toàn, ổn định cho các địa phương.
 
Trong đó, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với công suất 80 MW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần tăng tính ổn định cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2018; mà còn duy trì ổn định cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu nhà máy.
 
Đủ vốn – Đủ điện
 
Để có được thành quả ngày hôm nay, trong năm 2015 cũng như giai đoạn 2011-2015, EVN và các đơn vị thành viên đã vượt qua không ít những khó khăn, thách thức, làm tốt công tác thu xếp vốn cho các dự án, công trình. Riêng năm 2015, các dự án nguồn và lưới điện đáp ứng đủ vốn, không có dự án nào tạm ngừng thi công do thiếu vốn. 
 
Ngoài vốn tự có, EVN và các đơn vị đã thu xếp, đàm phán vay vốn từ các ngân hàng trong nước và ngoài nước, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương.
 
Trong năm 2015, Tập đoàn và các đơn vị đã vay và giải ngân khoảng 89.000 tỷ đồng vốn vay (chiếm 70% nhu cầu vốn đầu tư xây dựng), trong đó, giá trị các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đạt 785 triệu USD.
 
Ngoài ra, EVN và các đơn vị cũng đang đàm phán và đã có cam kết khoảng 2 tỷ USD chuẩn bị cho các dự án đầu tư, xây dựng trong những năm tiếp theo. Đến nay, toàn bộ các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm đều đã được thu xếp vốn gối đầu để thực hiện đúng tiến độ trong những năm tới.
 
Tập đoàn và các đơn vị cũng giữ vững nguyên tắc ưu tiên, tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết, đồng thời tổ chức nghiệm thu kịp thời. 
 
Đáng nói, trong điều kiện khó khăn về vốn, EVN vẫn bố trí vốn, đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông tránh ngập cho bà con vùng tái định cư Thủy điện Lai Châu, dù công tác tái định cư được Nhà nước giao cho UBND tỉnh Lai Châu thực hiện. Công trình hoàn thành vào tháng 6/2015 đã tạo thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của các vùng tái định cư.
 
Không dừng lại ở đó, với trách nhiệm của mình, thời gian tới, EVN tiếp tục hỗ trợ khu tái định cư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây phát triển.
 
Năm 2015, năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011-2015) EVN đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Trong đó, thành công trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng sẽ góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo việc cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy trong năm 2016 và những năm tiếp theo, đặc biệt là vào các mùa khô. Đây cũng là tiền đề quan trọng để EVN hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020, với nhiều dự án nguồn và lưới điện đã và đang được thực hiện, góp phần đảm bảo đủ điện cho phát triển đất nước trong những năm tới.
 

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Có thể nói, thành tựu lớn nhất của EVN trong năm 2015 là đã xúc tiến, thúc đẩy và đảm bảo tiến độ hàng loạt dự án điện. Việc đưa vào phát điện 7 tổ máy đã góp phần bổ sung hơn 3.300 MW vào tổng công suất nguồn điện quốc gia. Ngoài ra, EVN cũng đã hoàn thành nhiều công trình đường dây, TBA, đáp ứng việc kết nối giữa nguồn và lưới, cung cấp điện cho các vùng, miền, đặc biệt là khu vực phía Nam và TP. HCM. Đây là một thành tích nổi bật của EVN, bởi để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, EVN đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng... 

Tính đến cuối năm 2015:
 
- Tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia: 38.800 MW, tăng 1,8 lần so với năm 2010, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và  thứ 30 của thế giới; 
- Chiều dài đường dây 500 - 220 - 110 kV: Trên 41.100 km, tăng gần 1,5 lần so với năm 2010; 
- Tổng dung lượng các TBA 500 - 220 - 110 kV tăng gần 1,8 lần so với năm 2010.
 
 
 


  • 18/01/2016 03:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5493


Gửi nhận xét