Thiếu mặt bằng “sạch”
Từ cuối năm 2013, EVN đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương di dời lưới điện trên toàn tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên. Theo tiến độ ban đầu, dự kiến đến ngày 30/3/2014 phải hoàn thành toàn bộ việc di dời lưới điện trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, song tại thời điểm đó các đơn vị thuộc EVN CPC mới thực hiện được hơn 50% khối lượng công việc.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Thành – Phó tổng giám đốc EVN CPC cho biết: “Nguyên nhân chậm tiến độ và cũng là khó khăn chung của 12 đơn vị là do địa phương chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng; chưa bố trí được các khu tái định cư nên không thể bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, có địa phương đã bàn giao mặt bằng thi công, nhưng người dân gây cản trở không cho thi công do chưa nhận tiền đền bù hoặc chưa đồng ý với các chế độ, chính sách đền bù”. Ví dụ tại Quảng Bình, trong số các vị trí còn vướng mắc, có 1 vị trí duy nhất tại xã Lộc Ninh (TP Đồng Hới), nằm trên đoạn đường do Sở GTVT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, người dân kiên quyết không nhận tiền đền bù và không cho thi công, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
|
Việc di dời lưới điện không đảm bảo tiến độ do thiếu mặt bằng "sạch" - Ảnh: Dương Anh Minh |
Một số khu vực mở rộng Quốc lộ 1A do các công ty BOT làm chủ đầu tư, thiết kế đường chỉ bố trí vỉa hè rộng 0,5m không đủ diện tích để đúc móng, dựng cột điện và đặc biệt không đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định của Chính phủ. Đối với đoạn qua đô thị huyện Núi Thành (Quảng Nam) có mặt cắt vỉa hè nhỏ, móng trụ điện phải nằm dưới cống thoát nước nên độ sâu chôn móng trụ 2,7m, trụ điện sau di dời nằm sát nhà dân nên điều kiện thi công rất khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh còn có sự điều chỉnh tuyến, làm tăng thêm 20 vị trí (thuộc huyện Bố Trạch – Quảng Bình) phải di dời.
Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
“Thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Nam đã tích cực và chủ động vận động người dân triển khai việc đúc móng trụ trước để kịp thời di dời công trình điện trung, hạ thế khi có mặt bằng được bàn giao. Tuy nhiên, các Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện, thành phố và UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần tích cực hỗ trợ nhiều hơn nữa, cùng với ngành Điện sớm hoàn thành việc di dời lưới điện đoạn qua tỉnh Quảng Nam”.
|
|
Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải còn điều chỉnh lại thiết kế mở rộng đường, với quy mô mặt cắt của các đoạn tuyến qua đô thị, giảm từ 25,5m xuống còn 20m và 20,7m và điều chỉnh phạm vi giải phóng mặt bằng. Từ đó dẫn tới việc giải phóng mặt bằng phải tạm dừng chờ bàn giao lại cọc mốc. Công tác xác định nguồn gốc đất, bản sao địa chính gặp nhiều vướng mắc do sai lệch số liệu hiện trạng và số liệu quản lý. Ngoài ra, đơn giá đền bù đất cũng còn nhiều bất cập làm cho công tác giải phóng mặt bằng bị kéo dài.
Ông Nguyễn Thành cho hay: “Các vướng mắc này đã được các đơn vị thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh, các Ban QLDA thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, Ban GPMB và các Chủ đầu tư mở rộng đường. Tuy nhiên, thực trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Bàn giao đến đâu, thi công đến đó
Để đảm bảo tiến độ di dời lưới điện, chủ trương chung của EVN CPC và các đơn vị là "chủ đầu tư bàn giao đến đâu sẽ thi công ngay đến đó và phải hoàn thành di dời lưới điện trong vòng từ 5 - 7 ngày". Đồng thời, EVN CPC đã thành lập Tổ Thường trực Dự án “Di dời lưới điện, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh”. Tại các công ty Điện lực cũng thành lập Tổ công tác hiện trường, phối hợp với cán bộ chuyên trách giải phóng mặt bằng của địa phương thực hiện bàn giao mặt bằng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
|
Các đơn vị đang khẩn trương hoàn thành việc di dời lưới điện để mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Dương Anh Minh |
Một số khu vực gặp khó khăn trong việc xây dựng lưới điện mới, các đơn vị sẽ xây dựng đường dây tạm thời cấp điện cho khách hàng tháo dỡ lưới điện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với đoạn đường có vỉa hè 0,5m, các đơn vị sẽ nghiên cứu thực hiện giải pháp chôn sâu cột điện trong rãnh thoát nước và sử dụng dây bọc để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Đối với các vị trí chưa được đền bù, Điện lực cử người chủ động, tích cực, kiên trì vận động người dân và địa phương, thỏa thuận được đúc móng, dựng cột. Đối với hạng mục có nhiều trụ, nếu có thể thi công được vị trí nào thì thực hiện ngay không chờ đầy đủ mặt bằng mới triển khai. Đối với vị trí chưa có mặt bằng, yêu cầu đúc móng trước (móng nổi), sau đó khi có mặt bằng thì chuyển xuống và dựng cột, dời trụ.
Ông Vũ Văn Nghiêm - Phó giám đốc PC Quảng Nam còn yêu cầu các đơn vị thi công tận dụng tối đa vật tư thiết bị cũ để hoán chuyển, sử dụng lại, còn khi thi công đến đoạn có thay thế trụ điện, dây cáp mới thì cần có khảo sát, đánh giá chất lượng cụ thể trước khi xem xét quyết định và phải được sự thống nhất của các Điện lực thông qua biên bản xử lý hiện trường.
Tình hình triển khai việc di dời lưới điện tính đến ngày 24/4/2014:
- Xác định được 5.028 vị trí phải di dời để mở rộng đường;
- Đã di dời được 4.347 vị trí, đạt 86%;
- Đã đúc móng dựng cột được 39 vị trí;
- Tổng số vị trí vướng mắc: 696 vị trí, trong đó có 470 vị trí vướng nhà dân;
- 04 đơn vị hoàn thành 100% khối lượng gồm: PC TT-Huế (30/3), PC Gia Lai (31/3), PC Kon Tum (16/4), PC Quảng Trị (24/4);
- 04 đơn vị thực hiện di dời lưới điện với tỷ lệ thấp hơn trung bình EVN CPC gồm: PC Quảng Ngãi (19%), PC Bình Định (68%), PC Quảng Nam (75%), PC Quảng Bình (81%).
|