Vẫn còn là câu chuyện tiềm năng…
Với bờ biển dài hơn 3.260 km và có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tiềm năng điện gió của Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Đặc biệt, theo đề án “Quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiềm năng năng lượng gió đã được khảo sát, đánh giá một cách cụ thể. Dữ liệu gió được đo đạc cho một số điểm lựa chọn, sau đó, bằng phương pháp ngoại suy đã thu đươc dữ liệu gió mang tính đại diện khu vực. Từ đó, Đề án đã ước tính được tiềm năng năng lượng gió cho các vùng ven biển nước ta là rất lớn.
Theo số liệu từ Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương), tổng công suất điện năng từ gió của nước ta có thể lên đến 600.000/MW, hoặc hơn. Con số này phụ thuộc vào việc các dự án điện gió có thể được hiện thực hóa. Ví dụ, chỉ riêng với Bình Thuận, dự kiến công suất lắp đặt điện gió đến năm 2015 là khoảng 1.500 MW và sẽ đạt khoảng 3.000 MW vào năm 2020.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, cả nước mới có 48 dự án điện gió, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, với tổng công suất đăng ký khoảng gần 5.000 MW, trong đó, 1/3 số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như Đức, Canada, Thụy Sĩ, Argentina, nhưng việc đầu tư còn chậm và vẫn chỉ mang tính thăm dò.
Đến nay, nước ta có 2 nhà máy điện gió là Nhà máy Điện gió Tuy Phong, Bình Thuận (do Công ty Cổ phần Tái tạo Năng lượng Việt Nam - REVN đầu tư công suất 30 MW) và Nhà máy Điện gió Phú Quý (do Công ty TNHH MTV Năng lượng Tái tạo Điện lực Dầu khí đầu tư, công suất 6 MW)
Các vùng còn lại mới dừng ở mức tiềm năng, còn tiếp tục phải đầu tư khảo sát, đánh giá bổ sung.
(Ảnh minh họa)
|
Đi tìm lời giải…
Theo nhận xét của Giáo sư, Tiến sỹ, Viện sỹ Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: “Khoảng cách từ tiềm năng đến hiện thực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ở Việt Nam, là khá dài. Rút ngắn được hay không và rút ngắn trong thời gian bao lâu, phụ thuộc vào chính sách, quy hoạch mang tầm vĩ mô. Tiếp đó là vai trò của ngành Điện, cũng như các cơ quan liên quan, trong việc cụ thể hóa các cơ chế chính sách để phát triển điện gió!”
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Giáo sư Trần Đình Long đã đề cập đến những khó khăn khi phát triển điện gió như: Thiếu vốn đầu tư, giá bán điện gió chưa hấp dẫn, chính sách ưu đãi phát triển điện gió… chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết được bài toán điện gió, rất cần một hệ thống chính sách nhất quán, đồng bộ từ trung ương đến các địa phương có tiềm năng phát triển điện gió, mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Chính sách này cần được hoạch định dựa trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Có cùng quan điểm với Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cũng khẳng định, điện gió nước ta hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ… tiềm năng.
Theo ông Ngãi, sở dĩ năng lượng gió ở Việt Nam hiện chỉ mới ở mức… tiềm năng, vì nhiều các nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó là do chưa có được một hệ thống khảo sát đánh giá chính thức, đồng bộ và đáng tin cậy về các thông số gió trên toàn lãnh thổ, từ đó có thể xác định được các vùng trọng điểm đầu tư, khai thác. Rào cản lớn thứ 2, chính là nguồn vốn đầu tư.
Suất đầu tư cao, nguồn vốn vay khó tiếp cận mà giá bán điện gió lại thấp. Theo tính toán, suất đầu tư cho mỗi kW điện gió giao động từ 1.700 – 2000 USD (phụ thuộc vào công nghệ). Nếu một dự án có quy mô từ 50 – 100 MW thì cần một khoản vay tín dụng từ 80 – 100 triệu USD. Đây là con số quá lớn, nếu Chính phủ không đứng ra bảo lãnh thì không có ngân hàng thương mại nào cho vay – Ông Ngãi nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của các chuyên gia đến từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và đặc biệt là chính sách cũng như quy hoạch phát triển điện gió… mới là những cản trở lớn nhất. Cần một hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, ưu đãi dành riêng cho điện gió mới có thể hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ trong Quy hoạch điện VII.
Tiềm năng gió của Việt Nam ở độ cao 80m so với mặt đất:
Tốc độ gió trung bình
|
<4m/s
|
4-5m/s
|
5-6m/s
|
6-7m/s
|
7-8m/s
|
8-9m/s
|
Diện tích (km2)
|
95.916
|
70.868
|
40.473
|
2.435
|
220
|
20
|
Diện tích chiếm (%)
|
45,7
|
33,8
|
19,3
|
1,2
|
0,1
|
0,001
|
Tiềm năng (MW)
|
956.161
|
708.678
|
404.732
|
24.315
|
2.202
|
200
|
(Nguồn: Dự án năng lượng Giz – Cơ quan hợp tác phát triển Đức phối hợp Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương thực hiện)
Một số ưu đãi cho phát triển điện gió của Chính phủ Việt Nam hiện nay: (Theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió)
* Các dự án được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được... để phục vụ các dự án điện gió.
* Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
* Các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
* Các dự án điện gió nối mạng được hỗ trợ giá (Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 0,01 USD/kWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam).
* ‘Bên mua (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương với 7,8 cents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo tỉ gia đồng/USD.
|