Tham gia diễn đàn có gần 400 quan chức, doanh nhân và chuyên gia đến từ Mỹ, Nga, châu Âu và Trung Á, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Ba Lan.
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến việc tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng, tương lai của khí đá phiến, khí hóa lỏng và khí thiên nhiên tại châu Âu, cũng như triển vọng phát triển năng lượng hạt nhân. Làm thế nào để đối phó hiệu quả với khủng hoảng năng lượng song song với việc bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là những vấn đề được các đại biểu tham gia Diễn đàn Năng lượng quốc tế lần này đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra cuộc thảo luận với chủ đề "Kinh phí cho các dự án năng lượng lớn - ai sẽ đầu tư?" nhằm tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư chính trong lĩnh vực năng lượng.
Theo thông lệ, phần lớn thời gian cuộc thảo luận này đề cập đến việc khai thác khí đá phiến ở châu Âu, chủ yếu các mỏ khí đá phiến lớn được phát hiện tại Ba Lan.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Diễn đàn còn thảo luận các vấn đề như, mục tiêu được xác định trong chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm yêu cầu các nước thành viên EU thay đổi chính sách năng lượng nhằm giảm lượng khí thải CO2 và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo Ban Tổ chức, châu Âu cần rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu để áp dụng chính sách khí hậu phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Diễn đàn Năng lượng quốc tế do Viện Nghiên cứu Phương Đông của Ba Lan tổ chức hàng năm tại thành phố Sopot và đã trở thành Diễn đàn chính thảo luận các vấn đề năng lượng tại khu vực Trung và Đông Âu.