Diễn đàn “Tiềm năng thương mại ngành Than giữa Indonesia - Việt Nam”

Sáng ngày 3/5, tại Hà Nội, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức diễn đàn “Tiềm năng thương mại ngành Than giữa Indonesia - Việt Nam”.

Tham dự diễn đàn có ông Ibnu Hadi – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam, đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc tham dự.

Hiện nay, để đảm bảo an ninh năng lượng, các quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng đa dạng, tăng cường khai thác năng lượng mới và tái tạo, tuy nhiên, nguồn năng lượng sơ cấp, trong đó có than đá vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay và những năm sắp tới, để đảm bảo nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, than vẫn là nguồn năng lượng chính cho sản xuất điện. Theo cân đối cung cấp than hiện nay, dự báo nhu cầu tiêu thụ than của Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Diễn đàn “Tiềm năng thương mại ngành Than giữa Indonesia – Việt Nam” diễn ra sáng ngày 3/5, tại Hà Nội

Ông Lâm Thiên Hoan – đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Với nhu cầu than lớn như vậy, khả năng cung cấp than trong nước của Việt Nam sẽ không đáp ứng đủ. Dự kiến khối lượng than nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 khoảng 40 triệu tấn (cho điện 24 triệu tấn), năm 2025 khoảng 66 triệu tấn (cho điện khoảng 49 triệu tấn), năm 2030 khoảng 98 triệu tấn (cho điện khoảng 80 triệu tấn).

Thực tế những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu hàng chục triệu tấn than để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, trong đó than nhập khẩu Indonesia chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 45-50% tổng lượng than nhập khẩu hàng năm).

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN: Hiện nay, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 38% cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam và đóng góp 41% sản lượng điện toàn hệ thống. Trong khi đó, nguồn thủy điện Việt Nam đã khai thác hết, nguồn khí cung cấp cho điện suy giảm. Xuất phát từ nhu cầu than lớn cho sản xuất điện, nên EVN đang tích cực tìm kiếm nguồn than từ nhiều nước như Nam Phi, Úc, trong đó đặc biệt ưu tiên Indonesia.

“Bên cạnh nguồn than đảm bảo, giá thành cạnh tranh, Indonesia có lợi thế lớn về giá cả khi vị trí địa lý thuận lợi, rất gần các nhà máy nhiệt điện than ở miền Nam (Việt Nam). Cùng với đó, Chính phủ 2 nước đã ký hợp tác quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013. Vì thế, EVN mong muốn các nhà cung cấp than của Indonesia cung cấp than ổn định, chất lượng để các nhà đầu tư yên tâm phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam”, ông Tri cho biết.

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri phát biểu tại diễn đàn

Ông Inbnu Hadi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam cho biết, Indonesia là nước có trữ lượng tài nguyên khoáng sản cao, là cường quốc về than với năng lực khai thác hàng trăm triệu tấn/năm và có trữ lượng dự báo khoảng vài trăm năm. Indonesia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Dự kiến nhu cầu sử dụng than của các ngành công nghiệp tại Việt Nam:

- Năm 2020 khoảng 81,2 triệu tấn (trong đó cho điện khoảng 59,5 triệu tấn, chiếm 73%);

- Năm 2025 khoảng 110,9 triệu tấn (cho điện khoảng 86 triệu tấn, chiếm 77,5%);

- Năm 2030 khoảng 144,6 triệu tấn (cho điện khoảng 119,4 triệu tấn, chiếm 82,6%).

Nguồn: Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương)


  • 03/05/2019 04:18
  • Bài, ảnh: Ngân Hà
  • 14140