Xã Gành Dầu nằm ở phía Tây Bắc của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đường về xã Gành Dầu hôm nay đã được trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường, các cửa hàng điện tử, điện lạnh và thiết bị điện gia dụng mọc lên san sát. Một cuộc sống mới đầy đủ tiện nghi và ngày càng sung túc hơn đang hiện hữu.
Mặc dù là ngày cuối tuần, nhưng Chủ tịch UBND xã Gành Dầu – Bà Lê Thị Hằng vẫn niềm nở tiếp chúng tôi. Bà Hằng cho biết: “Gần 2 năm kể từ khi điện lưới quốc gia về tới Gành Dầu, hàng loạt các dự án du lịch đã được đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây”.
Một khu nghỉ dưỡng ở Gành Dầu
|
Điện lưới quốc gia đã góp phần quan trọng “đánh thức” vùng đất giàu tiềm năng này. Trong ngành “công nghiệp không khói”, phát huy tối ưu lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Gành Dầu cũng thu hút sự đầu tư xây dựng của Tập đoàn Vingroup, tạo nên một quần thể du lịch, vui chơi giải trí lớn nhất đảo Phú Quốc.
Năm 2014, lượng khách du lịch và lưu trú ở Gành Dầu đã lên đến hơn 30.839 lượt người, trong đó có gần 8.500 là khách nước ngoài. Đến năm 2015, số lượng khách tham quan trung bình đạt khoảng 5.000 lượt người/tháng (tương đương 60 ngàn lượt người/năm). Các dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác và nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, thu nhập trung bình đầu người trên địa bàn xã Gành Dầu là hơn 40 triệu đồng/người/năm. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ đạt mức 70 triệu đồng/người/năm. Nếu như năm 2013, xã Gành Dầu mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đến năm 2015 đã đạt 13/19 tiêu chí.
Cuộc sống của người dân Gành Dầu hôm nay ngày càng khá hơn, nhưng trong ký ức của họ vẫn còn in đậm nét những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn vừa qua đi.
Ngày đó, các sản phẩm đồ điện gia dụng rất hạn chế, nồi cơm điện, tủ lạnh gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là dân thổ cư ở xã Gành Dầu, ông Hai Trang (tức Út Trà Đá) – chủ cửa hàng Biên Hải Quán - chia sẻ, trước đây chưa có điện lưới quốc gia, ngoài việc kinh doanh nhà hàng ăn uống, ông còn sản xuất muối tiêu dưỡng sinh nhưng số lượng không nhiều.
Hai năm qua, điện lưới quốc gia đã ổn định, giá điện ngang bằng với giá điện trong đất liền, 4 chiếc máy sản xuất muối tiêu dưỡng sinh của gia đình ông được huy động hết công suất.
Đến nay, sản phẩm muối tiêu dưỡng sinh của ông Hai Trang không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà hàng mà còn có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Huế... Thậm chí có nhà đầu tư người Đức tìm đến tận nơi học hỏi bí quyết , nhưng ông Hai Trang chỉ cười: “Cũng không có bí quyết gì, chỉ với 4 cái máy này và điện ổn định là có sản phẩm rồi”. Sẵn có vài mảnh đất ở vị trí đắc địa, ông Hai Trang còn đang cân nhắc thêm việc đầu tư xây khách sạn.
Lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, khát khao, người dân xã Gành Dầu nói riêng và Đảo Ngọc nói chung được hưởng ánh sáng từ điện lưới quốc gia. Từ đây, gần 1.130 hộ dân với khoảng 4.600 người, thuộc xã Gành Dầu đã có cuộc sống ổn định và ngày càng sung túc hơn.
Nhưng điều mà bà Hằng còn trăn trở, băn khoăn là, hiện nay trong xã chỉ còn duy nhất ấp Rạch Vẻm - cách trung tâm xã xa nhất 15 km chưa có điện lưới quốc gia, vẫn phải sử dụng điện diezel. Đường sá đi lại ở ấp Rạch Vẻm chủ yếu là đường đất, đời sống hơn 160 hộ dân còn rất bấp bênh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, hiện nay EVNSPC đang nghiên cứu xây dựng phương án đưa điện lưới quốc gia về ấp Rạch Vẻm trong thời gian sớm nhất, góp phần nâng cao đời sống người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến Gành Dầu hôm nay có thể nhận thấy, Gành Dầu nói riêng và huyện đảo Phú Quốc nói chung đang "thoát xác", trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế kể từ khi có điện lưới quốc gia. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc sẽ được xây dựng thành đặc khu kinh tế - hành chính vào năm 2020 với vai trò là Trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp.
Ông Nguyễn Minh Thống – Tổ 1 ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu chia sẻ: "Trước kia gia đình tôi sử dụng điện của hợp tác xã với giá 25.000 đồng/kWh. Điện vừa đắt mà chỉ hạn chế sử dụng có 4 giờ /ngày (từ 18h – 20h), nên trong nhà không có ti vi, tủ lạnh.
Nhưng điều đó đã thuộc về dĩ vãng, giờ đây chúng tôi được sử dụng điện lưới quốc gia 24/24 giờ với giá bán phù hợp với thu nhập trung bình của người dân; chất lượng ổn định".