Điện gió vẫn ì ạch

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận được phê duyệt phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 2.500 MW, chiếm hơn 40% tổng công suất điện gió của cả nước. Tuy nhiên, đến nay địa phương này mới chỉ có 3 dự án điện gió hoạt động.

Dự án nhiều, triển khai ít

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đến năm 2020, công suất điện gió Việt Nam đạt 800 MW, đến năm 2030 đạt 6.000 MW. Thế nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 4 nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 160 MW.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, ngoài tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu đã sản xuất điện gió, các tỉnh như Ninh Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Định… đều đã có nhà đầu tư đăng ký, được cấp phép, thậm chí khởi công dự án, nhưng đến nay chưa có dự án điện gió nào đi vào hoạt động.

Riêng tại Bình Thuận có 19 dự án điện gió nhưng mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động, phát điện lên lưới, gồm: Giai đoạn 1 của dự án Phong điện 1 - Bình Thuận (công suất 30 MW), điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 (24 MW) và dự án điện gió Phú Quý (6 MW); 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa thi công, các dự án còn lại mới dừng lại ở việc đo gió và khảo sát lập hồ sơ dự án đầu tư.

Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong của Công ty CP Năng lượng tái tạo châu Á tại xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) và dự án Nhà máy điện gió Phước Thể của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư và Phát triển năng lượng sạch châu Á tại xã Phước Thể (huyện Tuy Phong) dù đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công do vướng mắc trong đền bù giải tỏa và cho thuê đất.

Trong khi đó, đối với 14 dự án điện gió đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu, trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh Bình Thuận đang đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu thu hồi chủ trương xây dựng 6 dự án vì đến nay chủ đầu tư không nộp hồ sơ theo quy định. Những dự án chậm triển khai còn lại do vướng mắc liên quan đến chồng lấn với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan do Chính phủ ban hành.

Tiếp tục gỡ khó

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, tiến độ triển khai đầu tư của các dự án điện gió còn rất chậm. Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa thật sự tích cực trong công tác chuẩn bị và triển khai đầu tư, chậm hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục đầu tư, triển khai công tác bồi thường thiệt hại…

Một nguyên nhân khác, theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, mặc dù giá mua điện gió đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá (với 7,8cent/kWh, tương đương khoảng 1.600 đồng/kWh), nhưng còn rất thấp. Từ việc giá điện gió thấp, tính khả thi của các dự án khai thác nguồn năng lượng sạch này lại không cao, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn khi vay vốn để triển khai dự án.

Theo các nhà đầu tư, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện gió, trước mắt Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh lên mức 12 cent/kWh vào năm 2020, nhằm thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, cần có chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận và vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để phát triển điện gió. Đối với các dự án điện gió nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ, kiến nghị Chính phủ có chủ trương ưu tiên cho các dự án điện được thực hiện trước.


  • 27/03/2017 10:38
  • Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng
  • 35374