Đảm bảo điện cho sản xuất công nghiệp
Điện lực Sông Công đã và đang áp dụng nhiều giải pháp trong quản lý vận hành với mục tiêu quan trọng liên tục duy trì ổn định hệ thống điện phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Điện lực Sông Công cho biết: Với chính sách ưu tiên phát triển nền công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, nhiều năm qua, Điện lực Sông Công đã và đang đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về điện đảm bảo cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Với quy mô phát triển của thị xã, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng 1 trạm 110 kV, 2 máy biến áp với tổng dung lượng 26.000 kVA. Sản lượng điện trung bình đạt từ 25 - 27 triệu kWh/tháng, trong đó tỷ trọng điện cho công nghiệp, sản xuất hiện chiếm đến 80% sản lượng điện của thị xã Sông Công.
Điện lực Sông Công hiện đang quản lý trên 15 ngàn khách hàng, trong khi cán bộ công nhân lao động chỉ có 68 người (có 22 nữ) vì vậy khối lượng công việc quản lý vận hành và kinh doanh điện là rất lớn. Năm 2011, điện thương phẩm đạt 268 triệu kWh, thực hiện chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng đạt 3,14%/năm. 6 tháng đầu 2012, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng điện thương phẩm của Điện lực Sông Công đạt 135 triệu kWh, duy trì việc tăng trưởng điện cho công nghiệp ở mức 14%.
Nhân viên thu ngân Điện lực Sông Công (Công ty Điện lực Thái Nguyên) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giao tiếp khách hàng - Ảnh Văn Lương
|
Dẫn đầu về thu nộp tiền điện
Theo Giám đốc Trần Đình Chiến, cuối năm 2011, trước hiện tượng một số tổ chức và cá nhân vịn vào lý do khủng hoảng kinh tế đã giãn hoặc kéo dài nợ đọng tiền điện với ngành Điện diễn ra tại nhiều địa phương, Điện lực Sông Công đã có những buổi làm việc để tìm hiểu và đối thoại trực tiếp với những khách hàng sản xuất lớn, tiêu thụ điện hàng tháng với số lượng lớn để chia sẻ với khách hàng đồng thời cam kết những hình thức thanh toán tiền điện cho ngành Điện.
Giám đốc Trần Đình Chiến và cán bộ Phòng Kinh doanh Điện lực đã trực tiếp làm việc với các Ngân hàng trong huyện, qua đó các ngân hàng có thể đứng ra bảo lãnh hoặc thanh khoản trước tiền điện đã sử dụng của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể như, Công ty Xi măng Cao Sơn, đã được Ngân hàng bảo lãnh cho vay với số tiền lên tới 10 tỷ đồng mỗi tháng để thanh toán tiền điện cho sản xuất. Theo ông Chiến, kinh doanh điện đã khó, việc thu tiền điện của khách hàng càng khó khăn hơn. Ở đơn vị ông đã có những nhân viên thu ngân hàng tháng vẫn phải ứng trước tiền lương của mình để nộp tiền điện cho khách hàng ở khu vực nông thôn là chuyện vẫn thường xảy ra.
Ông Trần Đình Chiến chia sẻ, ngành Điện luôn đáp ứng những điều kiện tốt nhất trong việc đảm bảo điện liên tục cho khách hàng sản xuất kinh doanh. Mối quan hệ đó gắn với bên bán và bên mua vì vậy phải xử lý tốt quan hệ đó để giữ vững niềm tin từ mọi khách hàng. Ở Điện lực Sông Công việc cắt điện để thu tiền chỉ là biện pháp cuối cùng”. Thực tế đã chứng minh, với số tiền trên 289 tỷ tiền điện của khách hàng năm 2011 và toàn bộ số tiền điện phát sinh trong những tháng đầu năm 2012 đã được đơn vị của ông Chiến thu “róc” không thiếu đồng nào là minh chứng cho điều ông nói. Điện lực Sông Công rất xứng đáng với tên gọi đơn vị dẫn đầu về doanh thu và thu nộp của Công ty Điện lực Thái Nguyên.
Thị xã Sông Công
Nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên
Diện tích trên 8.000 ha, gồm 06 phường và 04 xã với dân trên 72.600 người.
Điện lực Sông Công
Hiện quản lý trên 100 km đường dây từ 0,4 đến 35 kV;
Có trên 15.000 khách hàng;
Năm 2011, điện thương phẩm đạt 268 triệu kWh (trong đó điện cho công nghiệp chiếm trên 80%); Tổn thất điện năng đạt 3,14%/năm; giá bán bình quân 1.125 đồng kWh;
|