Đổi thay nhờ có điện
Sóc Trăng là tỉnh có những nét văn hóa độc đáo vì có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30%. Cuộc sống thanh bình, hiền hòa nơi đây đã trở nên sôi động hơn, đổi thay hơn kể từ khi có điện lưới quốc gia.
Trên những cánh đồng trồng lúa, hoa mầu, hình ảnh người dân sử dụng máy bơm điện tưới nước cho cây trồng càng tô điểm cho cảnh thanh bình nơi làng quê Đồng bằng sông Cửu Long. Đêm về, điện sáng cả khóm ấp; xen lẫn tiếng trẻ học bài là âm thanh quen thuộc phát ra từ những chiếc tivi càng làm tăng thêm không khí rộn ràng ở những vùng quê vốn trước đây rất yên tĩnh khi chưa có điện lưới quốc gia.
Ở xã Tân Long, huyện Ngã Năm (nay là thị xã Ngã Năm) nơi có nhiều người Khmer sinh sống, từ khi có điện, bà con đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Điện cũng giúp bà con tiếp cận được với tình hình trong nước và thế giới qua chương trình truyền hình. Các chương trình khuyến công, khuyến nông trên truyền hình đã trở thành buổi học nâng cao kiến thức về khoa học- công nghệ. Qua các chương trình này, người dân hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, thâm canh cây trồng, vật nuôi, làm vườn ao chuồng theo cách khoa học, mang lại năng suất và hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Ngang - người dân trong xã cho biết: “Có điện rồi mần ruộng cũng đỡ cực, khoai, đậu tăng, nhà có thêm thu nhập. Đặc biệt việc chăn nuôi lợn được gia đình mở rộng. Có điện chính là điều kiện để gia đình tôi thoát nghèo”.
PC Sóc Trăng đã điện lưới quốc gia đến với nhiều hộ dân tộc Khmer trong tỉnh - Ảnh Minh Ngọc
|
Trong niềm vui chung vì điện lưới quốc gia đã vào đến từng nhà, người dân ở phường 5 (TP.Sóc Trăng) rất phấn khởi. Trước kia, bà con thuộc huyện Châu Thành, do mở rộng địa giới hành chính của Tp.Sóc Trăng nên nơi đây được chuyển thành cư dân thành phố. Nói là thành phố nhưng khó khăn thì vẫn còn nhiều. Điện, nước sạch vẫn là niềm khát khao của bà con lâu nay. Có điện lưới quốc gia đã tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, công việc bớt cực nhọc, thu nhập tăng nên đời sống người dân được cải thiện nhiều.
Bà Chà Thị Huệ (khóm 3, phường 5) kể: “Trước đây không có điện, ban đêm tối thui, muốn đi lại phải đốt đuốc làm bằng lá dừa, trộm cắp hoành hành khắp nơi. Giờ có điện, chỉ cần ấn công tắc là đèn sáng choang, con cái chăm chỉ học hành; được xem tivi, nghe đài giải trí và học hỏi cách làm giầu bằng sức lao động của mình, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước… Cuộc sống tốt hơn trước nhiều. Giờ không sợ buồn, không sợ nóng nữa”.
Trong niềm vui chung đó, ông Liêng Sa, (xóm 4, phường 5) nhớ lại: “Khi điện lưới quốc gia còn chưa kéo tới, nhà chúng tôi phải chạy máy phát 3 tiếng đồng hồ mỗi đêm, chi phí khoảng 40.000 đồng/đêm là quá cao so với thu nhập của những người lao động nghèo. Đến khi đường điện chạy ngang nhà, kinh tế gia đình mới khá hơn vì có thể buôn bán phục vụ bà con. ”
Tiếp tục vươn xa
Hiểu được những khó khăn của bà con và với ý thức trách nhiệm của mình, năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng”.
Dự án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có mức đầu tư 305 tỷ đồng đã được hoàn tất vào năm 2013, cấp điện cho 20.049 hộ dân. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 212 tỷ đồng, cấp điện cho 16.784 hộ dân, trong đó có 13.427 hộ Khmer. Dự án hoàn thành trong năm 2014, nâng số hộ Khmer có điện trong toàn tỉnh lên 94.570 hộ, chiếm tỷ lệ 98,1% số hộ dân có điện.
“Để hoàn thiện cấp điện cho các hộ đồng bào chưa có điện của tỉnh, PC Sóc Trăng đã phối hợp với các địa phương khảo sát và lập danh mục bổ sung các hộ chưa có điện để triển khai giai đoạn 3 của Dự án trong năm 2015 và hoàn tất trong năm 2016, với tổng mức đầu tư 104,75 tỷ đồng cấp điện cho 8.575 hộ. Sau khi hoàn thành, về cơ bản, hầu hết các hộ dân trong tỉnh có điện lưới quốc gia”, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc PC Sóc Trăng cho biết.
Rõ ràng, việc tập trung đầu tư mở rộng lưới điện, thực hiện nhiều dự án đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi phục vụ đồng bào dân tộc, đã tạo điều kiện cho đồng bào có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi .
Ông Lâm Văn Mẫn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Từ khi có lưới điện quốc gia kéo về phục vụ bà con, mong ước bao lâu nay đã được thỏa nguyện, đồng bào dân tộc Khmer càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Họ quyết tâm, chí thú làm ăn, vươn kên thoát nghèo. Điều này tác động rõ nét vào việc thúc đấy phát triển kinh tế địa phương”.
Ông Cao Minh Thống – Phó chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng |
Ông Huỳnh Minh Hải – GĐ PC Sóc Trăng |
Dự án mang ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc của thành phố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa phương. Đồng thời tạo sự chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn với thành thị nhằm từng bước đưa các phum sóc thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, chậm phát triển. |
Sau khi hoàn tất, Dự án đã cung cấp điện ổn định, có chất lượng cho các đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Lưới điện được đảm bảo về kỹ thuật, an toàn điện, tổ chức bán điện trực tiếp đến các hộ dân góp phần giảm giá điện ở nông thôn, đem lại lợi ích lâu dài, bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Tất cả các hộ dân nằm trong Dự án không phải đóng một khoản phí nào từ đường điện vào nhà đến điện kế, kể cả hệ thống chiếu sáng sinh hoạt sau công tơ cho mỗi hộ dân gồm: 1 bóng đèn compact, 1 bảng điện và 5 mét dây dẫn. |