Từ những khó khăn
Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ EVN SPC cho biết, sau ngày giải phóng, cơ sở vật chất của ngành Điện phía Nam rất nghèo nàn, công suất nguồn điện chỉ khoảng 800 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm là 1.253 triệu kWh (chiếm 48,52% cả nước).
Các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, thiếu linh kiện, phụ tùng thay thế. Lưới truyền tải 230 kV, 66 kV vận hành độc lập theo từng vùng. Lưới điện phân phối tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Rất nhiều vùng tại các tỉnh phía Nam chưa có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện còn nhỏ lẻ, manh mún, chắp vá.
Tuy nhiên, với tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với sự tự hào của những người công nhân lần đầu tiên được làm chủ đất nước, làm chủ nhà máy, xí nghiệp, Công ty Điện lực 2 (tiền thân của EVN SPC) đã có nhiều giải pháp kinh tế - kỹ thuật hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả Ngành nên chỉ trong 6 tháng đã hoàn thành khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và cải tạo, nâng cấp các nhà máy nhiệt điện. Kết quả cuối cùng là, công suất nguồn tăng 34,7%, sản lượng điện đạt 1.279 triệu kWh vào cuối năm 1976.
Sau khi khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và củng cố các nhà máy nhiệt điện, Công ty Điện lực 2 đã triển khai hàng loạt các công trình xây dựng đường dây 220 kV từ TP. HCM đi Cần Thơ, nâng cấp lưới điện từ 15 kV lên 66 kV và 110 kV, đồng thời, mở rộng lưới điện hạ áp, đưa ánh sáng điện về phục vụ đời sống nhân dân các vùng nông thôn. Đến năm 2001, Công ty đã đưa điện lưới quốc gia vượt sông Tiền, sông Hậu về đất mũi Cà Mau, huyện cuối cùng ở phía Nam Tổ quốc đã có điện lưới quốc gia.
EVN SPC đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất. Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Đổi mới, không ngừng lớn mạnh
Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN SPC, trong giai đoạn 2009-2013, hệ thống điện miền Nam không tự cân đối được cung - cầu điện tại chỗ. EVN SPC đã nỗ lực vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đến nay, lưới điện từ 110 kV trở xuống đã được phủ kín các địa phương, 100% số xã, 98,7% hộ dân có điện, trong đó số hộ dân nông thôn là 98% với 6,5 triệu khách hàng.
Giai đoạn 2009-2013, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty đạt 257 tỷ kWh (tăng trung bình 11,3%), doanh thu đạt 192 ngàn tỷ đồng, sản lượng điện tiết kiệm trên 2.680 triệu kWh. Năm 2014, sản lượng điện thương phẩm đạt 44,596 tỷ kWh; doanh thu 65.772 tỷ đồng; tiết kiệm điện trên 1.195 triệu kWh, tương đương 2,67 % sản lượng điện thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hợp cho biết thêm, 5 năm gần đây, EVN SPC đã đầu tư trên 8.780 tỷ đồng xây dựng 18.380 km đường dây 110 kV và 34.998 MVA TBA 110kV; 258.576 km đường dây 22 kV, 74.447 MVA trạm biến áp và 338.646 km đường dây hạ thế; đặc biệt đầu năm 2014 Tổng công ty đã hoàn thành tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc.
Hiện tại EVN SPC đang trực tiếp đầu tư và tham gia các dự án cấp điện cho 10 ngàn héc ta nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau, đầu tư cấp điện cho vùng trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp ở An Giang đem lại giá trị 200 tỷ đồng/năm trong sản xuất lúa của tỉnh. Tổng công ty cũng đang quản lý cấp điện cho các huyện đảo Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo và đầu năm 2015 sẽ đưa lưới điện quốc gia cấp điện cho huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang.
Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đã mạnh dạn đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, chăm lo đào tạo bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Toàn tổng công ty đã có hàng trăm sáng kiến, làm lợi nhiều tỷ đồng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Song song với nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty luôn phát huy mạnh mẽ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ gia đình thương binh, liệt sỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chăm lo đời sống CBCNV với số tiền lên đến… hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
40 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã trải qua qua nhiều giai đoạn cam go, thử thách. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm về vai trò của một ngành kinh tế - kỹ thuật “Điện đi trước một bước” đã tạo nên sức sống mãnh liệt và những khát khao cháy bỏng cho sự phát triển của đất nước trong từng người thợ điện, góp phần làm cho kinh tế - xã hội từng địa phương hằng ngày thay da, đổi thịt. Những giá trị đó đã trở thành những bài học quý giá nhất để CBCNV của Tổng công ty noi gương, học tập và cống hiến, thể hiện được năng lực và góp phần vun đắp truyền thống hào hùng của Điện lực Việt Nam.
Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ngày 12/12/2014) là phần thưởng vô cùng cao quý đối với CBCNV EVN SPC, tạo động lực để Tổng công ty tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cung ứng điện, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng… phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn.