Từ năm 2002, khi nguồn điện từ Thủy điện Ialy hòa lưới điện quốc gia thì TBA 110 kV Đồn Phó trên đất Tây Sơn đã cấp điện về 2 trạm 35/22 kV Tây Sơn và Vĩnh Thạnh do Điện lực Phú Phong quản lý vận hành. Dòng điện đã lan tỏa nhanh đến các vùng quê của Tây Sơn những năm sau đó, đánh thức tiềm năng về đất đai của các làng quê trù phú dọc 2 bờ sông Kôn, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ những ngành nghề truyền thống của vùng đất võ Tây Sơn vươn ra thị trường cả nước. Trong đó sản phẩm gạch, ngói Phú Phong - Tây Sơn tiếp tục phát huy thương hiệu đã từng vang bóng một thời.
Điện về đỏi ngói Tây Sơn
|
Điện lưới quốc gia đã phủ kín trên huyện Tây Sơn, làm thay đổi quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp trên nền nông nghiệp bền vững. Hiện nay, huyện Tây Sơn có 5 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 153 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất trên 171 tỉ đồng, hàng hóa chủ yếu của Phú Phong - Tây Sơn vẫn là gạch, ngói. Chỉ tính riêng các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đã khoảng trên 840 cơ sở, thu hút 6.000 lao động. Hằng năm, sản lượng gạch, ngói lên đến 500 - 700 triệu viên, được tiêu thụ khắp trong cả nước. Từ khi có điện, viên ngói Phú Phong - Tây Sơn đã được nâng cao chất lượng nhờ áp dụng công nghệ sản xuất tự động thay cho hầu hết dây chuyền thủ công trước đây.
Ông Ngô Văn Diệu - Chủ doanh nghiệp tư nhân gạch ngói Sơn Vũ cho biết, ông đã đầu tư máy dập ngói thủy lực tự động, dùng động cơ điện, thay cho máy dập thủ công. Những viên ngói mới ép, mặt láng mịn, sắc nét, vì độ nén đồng đều và chuẩn, có độ bền cao, hạn chế tối đa độ thấm nước. Máy có công suất từ 3 - 4 ngàn viên/ngày. Năng suất lao động cũng tăng lên 200%.
Với quy hoạch các cơ sở sản xuất gạch ngói như hiện nay, huyện Tây Sơn đã có 4 hệ thống máy ép mê ngói chân không. Mỗi ngày máy sản xuất từ 30 - 50 ngàn mê ngói, tùy theo thời tiết mưa, hay nắng, để cấp cho các lò ngói trong vùng. Mỗi miếng mê bán ra khoảng 300 đồng.
Theo anh Nguyễn Cư - Trưởng Phòng kinh doanh Điện lực Phú Phong: Sản lượng điện thương phẩm của Tây Sơn năm 2010 đạt gần 50 triệu kWh, trong đó, điện phục vụ cho công nghiệp sản xuất gạch ngói chiếm 37%. Các CCN Hóc Bợm, làng nghề Phú An ở xã Tây Xuân chi phí tiền điện không dưới 40-50 triệu đồng /tháng; DNTN gạch ngói Hai Mai đã xây dựng trạm biến áp riêng, đưa điện vào quạt lò. Với mặt bằng giá gạch ngói hiện nay, các lò ngói Tây Sơn vẫn đốt lò theo phương pháp thủ công. Lò nung vẫn là lò đứng truyền thống, chất đốt chủ yếu là mùn cưa. Ngói đẹp ra lò là ngói có màu đỏ tươi, đều, rất đặc trưng sau công đoạn nung có điều chỉnh nhiệt độ bằng quạt điện.
Người dân Tây Sơn - Bình Định vốn tự hào với truyền thống lịch sử của quê hương nay vươn lên làm giàu bằng chính nội lực và tiềm năng ngành nghề của mình. Điện đã góp phần nâng viên gạch, ngói của Tây Sơn hôm nay đỏ hồng, bền hơn, đẹp hơn, vươn ra thị trường cả nước.