Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương mà trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các địa phương đã góp phần quan trọng, đảm bảo cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2016 - 2017 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt hiệu quả cao. 100% diện tích gieo cấy đã được cấp đủ nước và tổng thời gian xả nước giảm được 4,5 ngày so với kế hoạch, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước phục vụ phát điện, đặc biệt là dự trữ nguồn nước cho mùa khô sắp tới.
Tuy vậy, vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn trong việc lấy nước. Điển hình, đến giữa đợt lấy nước thứ 3, trong khi nhiều địa phương đã lấy đủ nước, thì ngay tại Hà Nội, lượng nước mới chỉ đạt trên 70%.
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Ban Kĩ thuật - Sản xuất EVN cho biết, năm nay, do sự biến đổi của dòng chảy, một số thời điểm, mực nước ở Trạm Thủy văn Hà Nội đạt kế hoạch, nhưng mực nước ở Trạm Thủy văn Sơn Tây lại không đạt, Trạm bơm Phù Sa không thể lấy nước. “Rút kinh nghiệm, những năm tới, cần khảo sát kĩ hơn ở từng địa phương, có thể lấy Hà Nội làm chuẩn, từ đó lên kế hoạch cấp nước đổ ải, tiết kiệm tối đa nguồn nước”, ông Chính đề xuất.
EVN cấp đủ nước đổ ải vụ Đông Xuân 2016 - 2017
|
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, các địa phương cần phải đầu tư, xây dựng các trạm bơm mới với thiết kế miệng cống lấy nước phải đặt ở mực thấp, có thể lấy được nước sông Hồng ngay cả khi các hồ chứa không xả nước tăng cường. “Năm nay, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc - hai địa phương vốn gặp khó khăn về việc lấy nước - đã đầu tư một số trạm bơm mới và bước đầu mang lại hiệu quả. Việc lấy nước đã được cải thiện hơn nhiều so với những năm trước”, ông Tỉnh cho hay.
Cũng theo ông Tỉnh, Tổng cục Thủy lợi đang nghiên cứu, thống nhất với thành phố Hà Nội và EVN, cân nhắc đầu tư xây dựng, cải tạo Trạm bơm Phù Sa, đảm bảo trạm bơm vẫn có thể hoạt động được khi mực nước sông Hồng xuống thấp. Ngoài ra, tại Sơn Tây, những năm tới cần đầu tư kết cấu hạ tầng các công trình, cải tạo hệ thống kênh mương, giảm lượng nước tiêu hao. Đây là một giải pháp cơ bản và bền vững để việc cấp nước đổ ải đạt hiệu quả cao.
Ngoài nguyên nhân biến đổi dòng dẫn, Hà Nội và một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh thường có “truyền thống” lấy nước muộn, chủ yếu tập trung vào đợt 3, trong khi các địa phương khác về cơ bản đã hoàn thành việc lấy nước. Đáng nói, việc các hồ thủy điện phải tiếp tục xả nước chỉ để phục vụ cho việc lấy nước gieo cấy của một vài tỉnh phía hạ lưu, phần nước còn lại đổ ra biển là hết sức lãng phí.
Riêng vụ Đông Xuân 2016 - 2017, để hạn chế tối đa việc lãng phí nước, khi hầu hết các địa phương đã lấy đủ nước, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các địa phương và EVN, rút ngắn kế hoạch xả nước của đợt 3 là 3 ngày. Sau đó, EVN vẫn tiếp tục duy trì lượng nước trên sông Hồng đảm bảo đủ cho các trạm bơm dã chiến ven sông hoạt động, cấp nước cho diện tích còn lại của các địa phương chưa lấy đủ nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần nghiên cứu điều chỉnh, rút ngắn lịch thời vụ; tập trung lấy nước vào đợt 1 và đợt 2, từ đó có thể tiếp tục rút ngắn số ngày lấy nước đợt 3 hoặc thậm chí không cần xả nước đợt 3 mà vẫn đủ nước phục vụ gieo cấy, góp phần tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Kết quả cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2016 - 2017:
- Tổng lượng nước xả: 4.929,9 triệu m3, trong đó:
+ Hồ Thủy điện Hòa Bình: cấp 3.095,8 triệu m3
+ Hồ Thủy điện Tuyên Quang: cấp 1.092,4 triệu m3
+ Hồ Thủy điện Thác Bà: cấp 741,7 triệu m3
- Rút ngắn 4,5 ngày so với kế hoạch
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi: Thành công của việc cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 có sự đóng góp rất lớn của EVN. Theo thống nhất ban đầu, trong 3 đợt xả nước, mực nước trạm thủy văn tại Hà Nội duy trì từ 2,2 m trở lên. Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm, mực nước đều cao hơn 2,2 m, giúp các công trình đảm bảo được bơm nước cũng như lấy nước đạt 100% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, 100% trạm bơm được cấp đủ điện an toàn, liên tục để vận hành.
|