Đón Tết, đón điện…

“Tôi sẽ mua thêm những thiết bị điện phục vụ sinh hoạt, đồng thời đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nâng công suất và chất lượng sản phẩm… Đó là kế hoạch của một doanh nhân trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), khi ngày được sử dụng điện lưới quốc gia đã cận kề…

Háo hức chờ điện lưới quốc gia

Trên chuyến tàu thủy cao tốc từ cảng Hà Tiên ra đảo Phú Quốc vào những ngày cận Tết Giáp Ngọ, không chỉ có hoa Mai vàng, mà còn có rất nhiều thiết bị điện gia dụng như: Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, quạt điện phun sương… được người dân trên đảo hối hả mua về. Đó là những loại hàng hóa mà người dân Huyện đảo trước đây không có điều kiện sử dụng, không phải vì thiếu tiền mà vì nguồn điện hiếm hoi và đắt đỏ từ các tổ máy phát diezel không cho phép người dân dám mơ tới những loại hàng tiêu thụ nhiều điện năng. Bây giờ tình hình đã đổi khác. Cuộc sống của người dân huyện đảo sắp bước sang một trang mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy, kinh doanh khách sạn, nhà hàng tại (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) cho biết: Dịp này, vào đất liền, tôi đã mua hơn 10 máy điều hòa, mỗi máy có công suất 12.000 BTU, thay thế các máy cũ. Tết này, khi có nguồn điện lưới quốc gia, người dân đảo được sử dụng điện 24/24 giờ mà không lo quá tải hay mất điện đột xuất nữa. Bà con hết sức phấn khởi, nhà nào cũng rục rịch sắm Tết thật to, thật vui!

Có mặt trên đảo Phú Quốc những ngày giáp Tết này, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy những khuôn mặt hân hoan mừng rỡ của người dân, khi ước mơ được sử dụng điện lưới quốc gia sắp trở thành hiện thực.

Rải cáp ngầm Hà Tiên - Phú quốc. Ảnh: Vũ Lam

Ngồi xếp lá “Mật Cật” chuẩn bị gói bánh Tét (một loại bánh Tét độc đáo của người dân huyện đảo Phú Quốc) trước sân nhà mình, bà Nguyễn Thị Yến, 60 tuổi, ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh không giấu nổi sự vui mừng khi biết rằng, vào dịp Tết Giáp Ngọ sắp tới, người dân trên đảo sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. Bà chia sẻ: “Vậy là bao năm mong đợi, đến nay người dân chúng tôi cũng sắp có điện lưới quốc gia. Bà con ở đây vui mừng lắm, ai cũng ủng hộ, đặc biệt từ khi thấy các chú công nhân điện lực dựng trụ, kéo dây điện thì càng vững tin hơn. Từ nay, xóm chúng tôi sẽ không còn lo thiếu điện, ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt”.

Hiện tại, 100% hộ dân ở xã Gành Dầu vẫn chưa được dùng điện từ nguồn điện disel của Nhà máy điện Phú Quốc, tất cả các hộ dân ở đây đều dùng điện của một máy phát duy nhất của cơ sở sản xuất nước đá với giá 25.000 đồng/kWh. “Nhà chỉ có 1 chiếc tivi, 2 quạt điện, vài cái bóng đèn, nhưng hàng tháng gia đình cũng phải trả đến cả triệu đồng tiền điện” bà Yến nói.

Trên con đường chạy dài vào xã Gành Dầu, các trụ điện đã sẵn sàng, chuẩn bị tiếp nhận lưới điện quốc gia. Niềm vui không chỉ xuất hiện ở những khu vực xa trung tâm, mà ngay tại trung tâm huyện đảo, tuy đã được dùng nguồn điện diesel, nhưng khi sắp có điện lưới quốc gia, người dân cũng phấn khởi, vui mừng không kém.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang Lê Minh Hoàng cho biết, Phú Quốc rất có tiềm năng về du lịch, nhưng do giá điện quá cao, điện lại không ổn định, nên chưa tạo được sức bật cho ngành Du lịch. Nhiều nhà đầu tư vẫn còn do dự khi dự kiến đầu tư vào đây. Khi hay tin lưới điện quốc gia sắp được kéo ra đảo Phú Quốc, có rất nhiều nhà đầu tư đã trở lại đàm phám. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn từ nước Nga đến tìm hiểu để ký kết hợp tác đầu tư.

Cố gắng đóng điện trước Tết âm lịch

Theo ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), hạng mục đường dây 2 mạch 110 kV trên không bao gồm 2 đoạn tuyến, đoạn tuyến trên đảo Phú Quốc kéo dài từ điểm cuối của đường cáp ngầm đến TBA 110 kV Phú Quốc, dài 7,6 km, đoạn tuyến trên bờ phía Hà Tiên dài 300 mét, kéo dài từ TBA Hà Tiên đến điểm đầu của tuyến cáp ngầm đã được đơn vị thi công hoàn tất. Ban QLDA Điện lực miền Nam đã phối hợp với Trạm kiểm lâm Rạch Cá thực hiện phát quang rừng dọc theo hành lang an toàn của đường dây, sẵn sàng đóng điện sau khi hoàn tất thi công tuyến cáp ngầm.

Tại TBA 110 kV Phú Quốc việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cũng đã hoàn thành. Công ty Thí nghiệm điện miền Nam cũng đã tiến hành thí nghiệm hiệu chỉnh, sẵn sàng đóng điện. Trước đó, ở đầu bờ Hà Tiên, đường dây và TBA 110 kV đã sẵn sàng cho việc kết nối với cáp ngầm xuyên biển.

Bà con nhân dân trên đảo Phú Quốc sẽ được dùng điện lưới quốc gia trong dịp Tết nguyên Đán. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đối với phần cáp ngầm xuyên biển, ông Nguyễn Thành Duy cho biết, ngay sau khi ký hợp đồng EPC với nhà thầu Prysmian (Ý), EVN SPC đã tổ chức theo dõi hợp đồng hết sức chặt chẽ, thường xuyên họp tổ chức giao ban để giải quyết những khó khăn nhằm rút ngắn tiến độ.

Theo tiến độ, công tác lắp đặt cáp sẽ hoàn tất vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực cố gắng của cả 2 bên, nên công tác lắp đặt cáp sẽ hoàn thành trong tháng 1/2014, vượt trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra. Việc này sẽ giúp tiến độ đóng điện đưa tuyến cáp ngầm vào vận hành trước Tết Giáp Ngọ.

Việc đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được nhu cầu phát triển của huyện đảo, góp phần vào tiến trình phát triển và đổi mới kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo đà để Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước. Đặc biệt, Dự án Cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo còn góp phần bảo vệ Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang đã được UNESCO công nhận vào năm 2006.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông Huỳnh Văn Hưng:
Sau khi điện lưới quốc gia được đấu nối, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ những khu vực dân cư còn khó khăn phát triển kinh tế, giúp bà con, đặc biệt các hộ nghèo ổn định và nâng cao mức sống. Ngoài ra, có điện lưới quốc gia sẽ giúp Phú Quốc phát triển một cách ổn định, bền vững. Du lịch hiện chiếm trên 40% nguồn thu ngân sách địa phương và Phú Quốc cũng sẽ được đầu tư nâng cấp thành khu du lịch trọng điểm quốc gia theo quy hoạch Chính phủ phê duyệt.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ DNTN Hải sản Khải Hoàn (Đảo Phú Quốc):
“Mỗi tháng, chúng tôi tiêu thụ khoảng 7.000 kWh điện, với giá bán lẻ cho sản xuất kinh doanh là 7.992 đồng/kWh (chưa có VAT), mỗi tháng phải trả từ 60-70 triệu đồng tiền điện. Chưa kể, do nguồn điện không ổn định, mỗi tuần cúp điện 1 đến 2 ngày và cúp đột ngột do sự cố, công ăn việc làm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đình trệ. Có điện lưới quốc gia, chúng tôi sẽ yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất, đồng thời tính toán lại để điều chỉnh giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”.

Dự án Cáp ngầm xuyên biển 110 kV Hà Tiên – Phú Quốc
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Nam
- Tổng mức đầu tư: 2.336 tỷ đồng.
- Trong đó: Tuyến đường dây 110 kV trên không, đoạn đấu nối từ TBA 110 kV Hà Tiên  đến điểm tiếp bờ phía Ha Tiên là 0,3 km. Đoạn đấu nối từ điểm tiếp bờ phía Phú Quốc đến TBA 110 kV Phú Quốc dài 7.6km.
- Phần cáp ngầm xuyên biển: Bắt đầu từ điểm tiếp bờ phía Hà Tiên đến điểm tiếp bờ phía Phú Quốc với chiều dài trên 58 km (tổng mức đầu tư hơn 1.979 tỷ đồng).
- Xây dựng TBA 110 kV Phú Quốc với quy mô 2 máy biến áp 40 MVA.
 

 


  • 31/01/2014 11:23
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2457


Gửi nhận xét