Dự án Trang trại năng lượng mặt trời tại Khánh Hòa: Đánh thức tiềm năng

Là tỉnh có số giờ nắng trung bình vào loại cao nhất nước (khoảng 2.600 giờ/năm), Dự án Trang trại năng lượng mặt trời tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được kỳ vọng sẽ góp phần đánh thức tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa có diện tích hơn 5.000 km2 (bao gồm cả các đảo và quần đảo). Khí hậu nhiệt đới tương đối ôn hòa với 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 hàng năm, trong đó tập trung chủ yếu vào 2 tháng 10 - 11, lượng mưa chiếm trên 50% tổng lượng mưa cả năm. Các tháng còn lại là mùa nắng, với tổng số giờ nắng trung bình lên tới 2.600 giờ/năm. 

Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa khoảng 26,7°C. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình hơn 5 kWh/m2. Đặc biệt là khu vực Cam Ranh, có cường độ bức xạ mặt trời lên đến 5,34 kWh/m2/ngày – là khu vực thuận lợi nhất phát triển điện mặt trời.

Với tiềm năng sẵn có, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã giao cho Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung nghiên cứu triển khai Dự án Trang trại năng lượng mặt trời (NLMT) tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Đây là khu vực đồi hoang, bằng phẳng, không thể canh tác nông, lâm nghiệp, không nằm trong quy hoạch của bất kỳ dự án nào, rất thuận lợi triển khai Dự án NLMT. Theo thiết kế sơ bộ, Dự án có công suất thiết kế 50 MW, sản lượng điện ước tính 83 GWh/năm. Tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. 

Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng lớn nhất để phát triển điện mặt trời

Theo ông Nguyễn Thanh Đạt – Giám đốc Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung, đối với Dự án Trang trại NLMT nối lưới, việc lựa chọn các tấm pin mặt trời công suất lớn, điện áp cao để giảm số mối nối trong một dãy là cần thiết. Việc lựa chọn này còn phải dựa trên nhiều yếu tố như, diện tích mặt bằng được giao, các loại tấm pin, nguồn vốn, cơ cấu vốn, lãi suất vay,… để quyết định lựa chọn loại tấm pin nào có hiệu quả cao nhất cả về mặt kỹ thuật và kinh tế. 

Hiện nay, Ban QLDA đang khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, TP Cam Ranh và các sở, ban, ngành liên quan, chuẩn bị triển khai phương án đầu tư hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Thanh Đạt khẳng định: “Sau khi đưa vào hoạt động, Trang trại NLMT sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương; phát triển kinh tế vùng và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương; đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực, nâng cao độ tin cậy và đa dạng hóa nguồn cung cấp điện”. Việc triển khai Dự án còn thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của tỉnh Khánh Hòa nhằm phát triển năng lượng sạch, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP).

UBND TP Cam Ranh hoàn toàn ủng hộ chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) thực hiện Dự án xây dựng Trang trại năng lượng mặt trời. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, cùng với các dự án khác, Dự án Trang trại NLMT của EVNCPC sẽ góp phần thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp mới trên địa bàn TP Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, đề nghị chủ đầu tư tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương khảo sát cụ thể địa điểm xây dựng Nhà máy, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đồng thời, tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân khu vực Dự án. 

Dự án Trang trại năng lượng mặt trời tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa:

- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Trung;
- Đơn vị quản lý: Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung;
- Công suất thiết kế: 50 MW;
- Sản lượng điện sản xuất: 83 GWh/năm;
- Diện tích đất sử dụng: Khoảng 95 ha;
- Tổng vốn đầu tư: hơn 1.900 tỷ đồng; trong đó:
+ Vốn ODA chiếm 70%
+ Vốn của Tổng công ty Điện lực miền Trung: 30%
- Thời gian thực hiện: 2017 - 2018.

 


  • 20/09/2016 10:15
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 37275