Dự án điện của EVN “hút” ODA Nhật Bản

Trong năm 2013, dự kiến tổng giá trị các khoản vay ODA và vay ưu đãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thu xếp và đàm phán khoảng 1 – 1,5 tỉ USD cho các dự án điện.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1995 tới nay, EVN được vay những khoản tín dụng có giá trị lớn dưới dạng Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các tổ chức tài chính đa phương.

Ý nghĩa lớn trong bối cảnh khó khăn

Chỉ riêng hai năm 2011 - 2012, tổng giá trị vốn ODA và vay ưu đãi cho ngành Điện đạt xấp xỉ 4 tỉ USD. Năm 2012, EVN tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn trong việc cân đối nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện. Khả năng huy động nguồn vốn trong nước cho các dự án điện mới và đang triển khai từ các ngân hàng thương mại ngày càng hạn chế. Tổng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết và đàm phán đạt hơn 3,5 tỉ USD. Hiệu quả từ sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ EVN với các nhà tài trợ đã được ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện dự án.

Biểu đồ thể hiện cơ cấu vốn ODA đầu tư vào EVN - Ảnh ST

Cho đến nay, EVN đã có 13 dự án sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản với tổng số vốn vay đạt trên 460 tỉ Yên (khoảng trên 5 tỉ USD). Tổng công suất các dự án nguồn điện do Nhật Bản tài trợ chiếm gần 18% công suất nguồn điện do EVN vận hành và xấp xỉ 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện Việt Nam.

Tận dụng cơ hội hợp tác

Trong thời gian tới, EVN mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn vay ODA cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi khác với tổng giá trị các khoản vay khoảng 150 tỉ Yên (tương đương 1,5 tỉ USD) trong giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án điện của EVN bao gồm: Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, các dự án đường dây truyền tải đấu nối với các trung tâm điện lực khu vực miền Nam, các dự án đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận...

EVN cũng mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ METI và các tổ chức khác như JICA, JETRO, NEDO... để xúc tiến các hợp tác nghiên cứu lập Dự án đầu tư (FS) cho các dự án đề nghị vay vốn ODA Nhật Bản, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho các dự án điện của EVN trong tương lai.

Đối tác chiến lược quan trọng của EVN

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, ngày 31/10/2011 tại Tokyo, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác xây dựng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại Việt Nam đã được ký kết là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước tiến triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên theo tinh thần của Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng của Châu Á giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 31/10/2010.

Hiện EVN đang tích cực phối hợp với các đối tác phía Nhật Bản (JAPC, JINED...) thực hiện các công tác chuẩn bị triển khai xây dựng dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với công nghệ hiện đại nhất đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng của EVN. Sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản qua nguồn vốn ODA và tín dụng xuất khẩu luôn đứng đầu trong danh mục các nhà tài trợ cho dự án điện của EVN. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ VN từ cung cấp thông tin, các chương trình đào tạo tham quan học tập, quan hệ công chúng, hỗ trợ các cơ quan pháp quy, các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư trong hơn 15 năm qua.

Đặc biệt, từ đầu năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã có thiện chí cung cấp khoản tài trợ để JAPC thực hiện dịch vụ lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, 2 tổ máy, xây dựng tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, với công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế.

 

 


  • 10/09/2013 09:53
  • Theo Diễn đàn doanh nghiệp
  • 3845


Gửi nhận xét