Đưa điện về vùng sâu, vùng xa Thái Nguyên

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên và ngành Điện đã có nhiều nỗ lực đưa điện lưới quốc gia đến thôn, xóm ở các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao chất lượng cấp điện ở nông thôn trên toàn tỉnh nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Tất cả các thôn, xóm đều có điện

Đến giữa năm 2016, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn 35 thôn, xóm chưa có điện lưới quốc gia do nằm trên địa hình đồi núi, sông suối hiểm trở, đi lại khó khăn. Trong đó có Bản Tèn với hơn 100 hộ dân tộc Mông, chủ yếu là hộ nghèo, là một trong những thôn khó khăn nhất ở xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ). Vì chưa có điện lưới quốc gia cho nên thông tin, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cũng nghèo nàn.

Các cô giáo ở phân trường Bản Tèn được lãnh đạo huyện Đồng Hỷ tặng một ắc-quy, một bộ kích điện. Vài ba ngày, các cô lại mang ắc-quy ngược núi, lên tận trạm phát sóng của Viettel để nạp điện nhờ từ máy nổ, sau đó lại mang về, chỉ để thắp một bóng điện nhỏ.

Thôn Làng Cấm nằm ở vùng sâu xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được cấp điện từ tháng 4/2018

Trước điều kiện khó khăn ở Bản Tèn, tỉnh Thái Nguyên và Công ty Điện lực tỉnh (PC Thái Nguyên) đã đầu tư dự án đưa điện lưới quốc gia về bản. Mặc dù địa hình rừng núi hiểm trở, đường đi chưa được thông thuận, nhưng thấu hiểu thiếu thốn và ước mơ có điện từ bao đời của đồng bào, những người thợ điện đã vượt mọi khó khăn thử thách, trèo đèo, vượt suối, luồn rừng, khênh, tời cột điện, vác vật tư, vật liệu, kéo đường dây, lắp đặt cho mỗi gia đình một bảng điện, một bóng điện chiếu sáng và đóng điện ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Ngày khánh thành công trình, đồng bào được các cấp chính quyền tặng quà, chúc mừng năm mới. Ngay khi có điện, ông Vương Văn Minh ở thôn Bản Tèn đã sắm ti-vi và một số thiết bị điện gia dụng, công cụ phục vụ sản xuất, đời sống. “Trước đây, khi đêm xuống, cả bản chỉ có vài ánh đèn dầu leo lét. Trẻ nhỏ học hành rất khó khăn, người dân muốn mua sắm gì phục vụ sinh hoạt, đời sống và sản xuất cũng không thể bởi không có điện. Vì thế, Bản Tèn lạc hậu hàng chục năm so với các thôn, bản khác. Được tỉnh quan tâm, ước mơ có điện từ bao đời đã thành hiện thực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, sản xuất bắt đầu phát triển” - ông Minh nói.

Không riêng Bản Tèn, gần 600 hộ dân ở các thôn, bản khác của xã Văn Lăng, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cấp điện từ năm 2017. Khi tỉnh có chủ trương “xóa” 35 thôn, bản thuộc 18 xã chưa có điện, Sở Công Thương và PC Thái Nguyên triển khai ngay việc đưa điện về những thôn, bản này, đến đầu năm 2018 đã hoàn thành với tổng số vốn đầu tư 150,3 tỷ đồng.

Giám đốc PC Thái Nguyên Đinh Hoàng Dương cho biết: “Đây là những thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống rất khó khăn, cư trú phân tán. Vì thế, suất đầu tư để đưa được điện đến một hộ khoảng 50 triệu đồng, có hộ lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh, ngành điện không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn. Tuy nhiên, cái được lớn hơn là đầu tư đưa điện đến các thôn, bản nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, củng cố an ninh ở những nơi này”.

Đến nay, Thái Nguyên đã trở thành một trong số ít tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc có tỷ lệ hộ nông thôn được cấp điện cao nhất. Tất cả các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh đều đã có điện lưới quốc gia. Số hộ nông thôn được sử dụng điện đạt 99,75%.

Nâng cao chất lượng cấp điện

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đánh giá: “Đưa điện lưới quốc gia về thôn, xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là động lực cho việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện an sinh xã hội. Công tác này góp phần tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng theo hướng bền vững. Đây còn là việc làm nhân văn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, không để những thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa bị bỏ lại phía sau”.

Không chỉ hướng đến mục tiêu “xóa” thôn, bản chưa có điện, những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên và ngành Điện còn chú trọng nâng cao chất lượng cấp điện ở nông thôn, khắc phục tình trạng “điện đom đóm”, cấp điện không ổn định.

Đơn cử, Tân Thành là xã miền núi thuộc huyện Phú Bình. Nhu cầu sử dụng điện ở đây tăng cao trong khi hệ thống đường dây được đầu tư từ nhiều năm trước đã cũ nát, quá tải, mất an toàn, điện năng rất yếu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Chị Ngô Thị Quy, xóm Hòa Lâm chia sẻ: “Xóm này có hơn 200 hộ, gia đình tôi ở cuối nguồn. Tuy đã có cả tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện nhưng không sử dụng được vì nguồn điện không ổn định. Điện yếu cho nên gia đình cũng chỉ đầu tư chăn nuôi quy mô nhỏ. Vừa qua, xóm được thay thế đường dây tải điện mới, lắp đặt thêm trạm biến áp nên nguồn điện rất “khỏe”, ổn định hơn hẳn. Tới đây, gia đình tôi sẽ tính toán mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế”.

Xã miền núi Tân Kim thuộc huyện Phú Bình từ khi được thay đường dây hạ thế, lắp đặt trạm biến áp ở một số khu vực, điện năng đã mạnh hơn, giúp người dân ổn định sản xuất. Cũng như nhiều chủ xưởng mộc khác ở Tân Kim, sắp tới anh Hà Văn Trọng sẽ đẩy mạnh sản xuất đồ gỗ gia đình, không phải từ chối đơn hàng như trước đây vì nguồn điện yếu, không sản xuất được.

Tỉnh Thái Nguyên có hơn 1,2 triệu dân, 70% sinh sống ở nông thôn; 46 dân tộc anh em, trong đó có tám dân tộc thiểu số có số dân đông, chiếm 27% số dân toàn tỉnh. Việc xóa các thôn, bản không có điện, nâng cao chất lượng cấp điện ở nông thôn đã phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thái Nguyên có gần 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%. Toàn tỉnh vẫn còn 0,25% số hộ chưa có điện do cư trú phân tán, cá biệt có một số hộ sống trên sườn núi cao, không cư trú ổn định.

Khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên đã dự kiến chương trình đưa các gia đình sinh sống ở những vùng quá xa xôi, hẻo lánh, còn tập quán di cư, về sống gần các khu dân cư để có điều kiện cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, hoàn thành cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân với tỷ lệ cao nhất.

Từ năm 2016 đến nay, PC Thái Nguyên thực hiện các dự án: Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2 (vốn Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW2); cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa; các dự án chống quá tải đường dây và trạm biến áp,... tổng mức đầu tư hơn 565 tỷ đồng.

Các dự án đã thay thế hơn 200 km đường dây trung thế, gần 650 km đường dây hạ thế, hơn 220 trạm biến áp, nâng cao chất lượng cấp điện trực tiếp cho 150 thôn, xóm với gần 31 nghìn hộ. Riêng các dự án chống quá tải đường dây và trạm biến áp, cải tạo lưới điện đã giúp người dân hàng trăm xã được hưởng lợi.

 


  • 22/08/2018 11:34
  • Theo Báo Nhân dân Điện tử
  • 16166