Đêm 1/6/2010, tại nhà ông Phạm Quyết Thắng (xóm 2, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), bất ngờ bình ắc quy tích điện phát nổ, khi gia đình ông đang dùng bình ắc quy và bộ kích điện chạy bóng đèn và quạt điện. Nước axit bắn ra khiến cả 8 người đang nằm ngủ gần đó (gồm 2 người lớn và 6 trẻ em) đều bị bỏng nặng. Đây không phải trường hợp duy nhất bị tai nạn do dùng bình ắc quy cùng bộ kích điện thời gian qua. Dung dịch được sử dụng trong bình ắc quy nước là axit sunfuric với nồng độ từ khoảng 20 - 30%. Đây là loại axit mạnh, khi ắc quy nổ, dung dịch này bắn vào người gây bỏng. Vì thế, do sơ ý và chủ quan, không ít người bị bỏng, hỏng mắt,… khi bình ắc quy bất ngờ phát nổ.
Nguyên nhân chính gây nổ ắc quy
• Bộ kích điện có công suất lớn so với ắc quy, ắc quy sẽ phải hoạt động quá công suất, dễ gây hỏng ắc quy và xảy ra các sự cố.
• Những bộ kích điện không có chế độ bảo vệ ắc quy yếu, không có chế độ bảo vệ ngắn mạch cũng tăng nguy cơ xảy ra nổ ắc quy.
• Sau một thời gian sử dụng, vỏ bình ắc quy bị mỏng dần, cùng với mạch điện bị chập sinh ra dòng điện chạy trong bình ắc quy lớn và làm nóng bình. Lúc nhiệt độ lên cao quá mức, dung dịch nước và axit trong bình ắc quy sẽ nở ra, gây nổ và bắn ra ngoài (đặc biệt khi van khí an toàn bị tắc).
(Chuyên gia: TS Mai Thanh Tùng, bộ môn Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, khoa Công nghệ Hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội)
Những lưu ý khi sử dụng
• Mua ắc quy chính hãng và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
• Nếu không có đủ các phương tiện, vật tư hoặc không đủ kỹ năng, kiến thức về thiết bị điện này, hãy đưa ắc quy đến các cửa hàng có uy tín để kiểm tra, bảo dưỡng.
Bảo quản, cất trữ ắc quy:
- Ắc quy tích điện khô mới, nếu chưa sử dụng phải được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Không được chọc thủng màng ngăn hoặc băng keo bảo vệ ở vị trí vặn nút.
- Ắc quy tích điện khô đang sử dụng nếu tạm thời không sử dụng nữa phải được nạp đầy điện, lau sạch, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Định kỳ 03 tháng nạp điện bổ sung một lần.
- Không đặt bình ắc quy ở gần nơi có nguồn nhiệt như bình ga, tivi… hay gần nơi ăn, ngủ, sinh hoạt của mọi người trong gia đình.
- Tránh va chạm mạnh làm xước mòn bình, đồng thời cần chú ý mạch điện để tránh quấn chập.
- Trước khi sử dụng lại, cần nạp bổ sung lại điện cho ắc quy.
Cách xử lý giai đoạn đầu bị bỏng axit do nổ bình ắc quy:
• Rửa chỗ bị bỏng bằng nước xà phòng cho bệnh nhân để làm trôi các chất axit còn bám lại trên da.
• Không được bôi nước muối hay các dung dịch gì khác lên vết thương.
• Đưa bệnh nhân tới bệnh viện để bác sĩ điều trị
|