Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông vào giai đoạn nước rút

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là dự án trọng điểm, cấp bách, nằm trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với tầm quan trọng này, nếu các địa phương có đường dây đi qua không sớm bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thì e rằng mục tiêu đóng điện dự án trong quý 1/2014 khó thực hiện được.

Công nhân thi công lấp móng cột vị trí 3.110, huyện Cư Jut, Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN)

Tầm quan trọng

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với tổng công suất nguồn điện hiện nay là trên 28.000 MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải cực đại từ 20.000 - 21.000 MW và có dự phòng.

Tuy nhiên, có một thực tế là cân bằng các nguồn điện giữa các vùng miền chưa cân đối, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án tại khu vực miền Nam bị chậm nên hệ thống điện đã phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, điều này ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của hệ thống điện.

Vấn đề mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền đã được tiên đoán trước và nhiều giải pháp quyết liệt cũng được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ; trong đó, công trình đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được coi là cứu cánh để giải quyết ngay nguy cơ thiếu điện trầm trọng ở khu vực miền Nam từ các năm 2014 - 015.

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) khẳng định: Đây là dự án đặc biệt quan trọng, nếu không đảm bảo tiến độ sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2014 trở đi.

Trên thực tế, dự án không chỉ đảm bảo việc cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng khu vực miền Nam giai đoạn 2014 - 2015, mà còn tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam; đồng thời tăng cường liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia vào năm 2015. Với tầm quan trọng đặc biệt này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, đặc biệt là yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao các vị trí móng còn lại cho đơn vị thi công triển khai đúng tiến độ.

Với tổng chiều dài hơn 437km, bao gồm 926 vị trí móng trụ đi qua 5 tỉnh, thành phố trên, Dự án được giao cho EVN NPT làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) quản lý dự án. Dự án có tổng mức đầu tư 9.288 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn vay chủ yếu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); trong đó, nguồn vốn của Vietinbank để thanh toán chi phí xây lắp và các chi phí hợp lý khác còn lại của dự án.

Kiểm soát được tiến độ

Đánh giá của ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban AMT cho thấy đến thời điểm giữa tháng 8/2013, các địa phương đã bàn giao mặt bằng phần móng cho đơn vị thi công 901/926 vị trí; trong đó, các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk đã hoàn thành; Đắk Nông còn 2 vị trí, Bình Phước còn 8 vị trí, Bình Dương còn 10 vị trí và Thành phố Hồ Chí Minh còn 5 vị trí chưa bàn giao cho nhà thầu. Về hành lang tuyến, đã tiến hành kê kiểm 3.731/4.406 hộ dân, số hộ dân còn lại sẽ hoàn thành kê kiểm và chi trả tiền trong tháng 8 này.

Hiện 15 nhà thầu thi công 16 gói thầu đã đào móng đạt 95%, đúc móng đạt 93%. Ông Tuyển cho biết những vị trí móng còn lại là những vị trí khó khăn. Do vậy, Ban AMT đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục vận động các hộ dân và giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào cuối tháng 8. Đặc biệt, Chính phủ cần có ý kiến chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai sớm ban hành mức hỗ trợ đất nông nghiệp trong hành lang tuyến. Như vậy phần móng sẽ kết thúc tầm giữa tháng 9, để các nhà thầu hoàn tất dựng cột trong tháng 11 và bắt đầu triển khai kéo dây từ tháng 12.

Tại vị trí 6602 thuộc xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (Bình Phước), Phó Ban chỉ huy công trường Công ty CP Xây lắp điện 1 Đoàn Xuân Mạnh cho biết: đơn vị thực hiện gói thầu 13 và 14 thi công 141 vị trí nằm trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Hiện đơn vị đã hoàn thành phần móng 131/141 vị trí, có cột đến đâu lắp ngay đến đó. Trên công trường đang có 7 đội thi công với trên 100 công nhân. Với tiến độ đề ra, công ty cam kết với Chủ đầu tư phần móng sẽ hoàn thành trước 15/9, dựng cột kết thúc vào tháng 11 để triển khai kéo dây.

Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện 2 Nguyễn Hồng Quang cũng cho biết: Công ty đang kiểm soát được tiến độ thi công gói thầu 15 và 16, với tổng chiều dài 22,15 km gồm 66 vị trí cột; trong đó có 12 vị trí thuộc huyện Bến Cát, Bình Dương và 54 vị trí thuộc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đơn vị đã đúc hoàn chỉnh 29 vị trí, đang đúc móng 6 vị trí.

Theo Phó Chỉ huy trưởng công trường Công ty Cổ phần Xây lắp điện 4 Nguyễn Trung Kiên, Công ty ký hợp đồng với Ban AMT triển khai thi công 119 vị trí thuộc 3 gói thầu 1, 4 và 8 nằm trên địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lắk và Đắk Nông; trong đó có 2 gói thầu công ty liên doanh với các đơn vị khác. Đến đầu tháng 8, các gói thầu này đã cơ bản đúc xong phần móng. “Nếu trong tháng 10, các nhà thầu cấp đủ cột và dây sứ, phụ kiện, đơn vị cũng cam kết hoàn thành dựng cột trong tháng 11”, anh Kiên khẳng định.

Công ty Cổ phần Sông Đà 11-Thăng Long được giao 2 gói thầu 11 và 12 với 123 vị trí, hiện đã xong phần móng 114 vị trí, 9 vị trí còn lại đang triển khai đào đúc để đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành vị trí cuối cùng. Công ty cũng cam kết thi công đúng tiến độ chủ đầu tư đề ra, kể cả dựng cột và kéo dây.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tiến độ cấp cột chưa đạt yêu cầu do các nhà thầu mới giao được 327/926 cột. Nếu các nhà thầu cung cấp cột không đảm bảo tiến độ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ kéo dây sau này.

Qua khảo sát thực tế tại hiện trường, các nhà thầu thi công đều yêu cầu các nhà thầu chế tạo cột đẩy nhanh tiến độ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuyển đã yêu cầu chậm nhất đầu tháng 11, các nhà thầu phải hoàn tất việc cấp cột. Tuy nhiên, tại cuộc họp đôn đốc tiến độ giữa Ban AMT với các nhà thầu mới đây, các nhà thầu cung cấp cột đều cam kết hoàn thành bàn giao cột cho các đơn vị thi công trong tháng 10 tới.

Bên cạnh đó, các Công ty Truyền tải điện 3 và 4 có nhiệm vụ tư vấn giám sát toàn tuyến, sau đó, quản lý vận hành đều cho rằng để dự án đảm bảo tiến độ đóng điện, các nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, xong vị trí nào sẽ nghiệm thu luôn vị trí đó để rút ngắn tiến độ.

Hiện nay, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Ngoài việc đề nghị các đơn vị xây lắp tập trung thi công để đảm bảo tiến độ, Phó Tổng Giám đốc EVN NPT Trần Quốc Lẫm yêu cầu Ban AMT bổ sung lực lượng bám địa phương, bàn giao móng cho các đơn vị thi công. “Riêng các nhà thầu sản xuất cột chậm nhất đầu tháng 11 phải chấm dứt cấp cột như vậy mới tính được tiến độ kéo dây,” ông Lẫm nhấn mạnh.

Đối với vật tư thiết bị các đoạn tuyến cải tạo đường dây 500kV mạch 1, mạch 2: các gói thầu cung cấp cách điện và phụ kiện, cáp quang và phụ kiện, các nhà thầu đã sản xuất xong, đang về cảng Sài Gòn và bàn giao cho nhà thầu xây lắp. Gói thầu cung cấp vận chuyển dây dẫn, dây chống sét nhà thầu đã triển khai sản xuất để từ 10-25/8 bắt đầu giao hàng.

Điều kiện cần và đủ

Một trong những điều kiện tiên quyết mang tính quyết định đến tiến độ đóng điện của đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng như đảm bảo điều kiện cho việc cắt điện các đường dây 500 kV thi công các đoạn tuyến cải tạo chính là phương án thi công cắt điện đấu nối các đoạn cải tạo.

Xác định những khó khăn trong công tác thi công, cắt điện, đấu nối các đoạn tuyến , ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, Ban AMT đã chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, xây lắp lập phương án thi công cắt điện đấu nối.

Theo phương án đã được các đơn vị thống nhất và EVN NPT thông qua, để hỗ trợ thi công đoạn cải tạo đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông sẽ cắt điện thi công đoạn tuyến cải tạo trên hành lang 500 kV và 110 kV hiện hữu, dự kiến đợt 1 là 40 ngày (từ 21/9 - 31/10) và đợt 2 là 15 ngày (từ 3/11 - 17/11).

Tuy nhiên, để đảm bảo việc triển khai thi công các đoạn tuyến cải tạo bắt đầu từ giữa tháng 9/2013 (sau thời gian cắt khí Nam Côn Sơn), theo Ban AMT nhất thiết phải hoàn thành, đưa vào vận hành các dự án liên quan trước 15/9 như các đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn, Sông Mây - Tân Định, Phú Mỹ - Sông Mây và Phú Lâm - Ô Môn, trạm 500kV Sông Mây (do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam quản lý); dự án nâng dung lượng tụ bù dọc các đoạn đường dây Pleiku - Phú Lâm (do Công ty Truyền tải điện 4 quản lý); công trình cải tạo đường dây 110kV Trảng Bàng 2 - Trảng Bàng - Khu công nghiệp Trảng Bàng (do Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý).

Với các dự án có tiến độ gấp và cấp bách như đường dây 500 kV mạch 3, việc huy động tổng lực vào giai đoạn nước rút và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan cùng với cách làm bài bản từ kinh nghiệm sẽ đưa công trình cấp điện cho miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh về đích đúng hẹn.


  • 19/08/2013 10:09
  • Theo Vietnam+
  • 5935


Gửi nhận xét