Điện đã phủ kín Nam Giang

Đắk Pree, Đắk Pring là hai xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều năm phấn đấu, đầu năm 2013, hai xã cuối cùng của huyện Nam Giang đã có điện lưới quốc gia.

Từ “phong trào” thủy điện siêu nhỏ...

Do ở khá xa quốc lộ 14D, lại thêm dân cư thưa thớt, phân tán trong các dãy núi, nên mặc dù từ năm 2002, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư hơn 25,5 tỷ đồng xây dựng gần 100 km đường dây 22 kV đưa điện từ ngã ba Bến Giằng lên cấp cho hơn 700 hộ dân 3 xã Tà Bhing, Chà Vàl, La Dê ở sát biên giới và điện cũng đã vào tới xã Đắk Tôi, song người dân 2 xã Đắk Pree, Đắk Pring trên cùng một trục đường liên xã, chỉ cách đó vài km đường rừng, mà vẫn chưa kéo được điện lưới.

Vì vậy, người dân 2 xã trên phải tự bỏ tiền mua tua-bin, dây điện làm thủy điện nhỏ để dùng. Nguồn điện tua-bin công suất nhỏ, khá tốn kém, song lại là nguồn điện quý giá, mà theo cách nói của người dân địa phương là ánh sáng văn minh, để nghe đài, theo dõi tin tức, học cách làm ăn, giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Các máy tua bin rất có ích trước đây, nay đã bị gỡ bỏ - Ảnh: Nhị Triều

Ông Brôl Trường, Chủ tịch UBND xã Đắk Pree nhớ lại: “Có điện, có tivi, dân làng mở tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Trước kia, đời sống của đồng bào khó khăn, lại bị ngăn sông cách núi, xóm làng tĩnh lặng, hoang vu. Việc người dân tự làm ra điện quả là ngoài sức tưởng tượng. Bởi hồi ấy, đèn dầu cũng còn thiếu, huống chi là ánh điện!”.

Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Dòng điện từ tua-bin yếu dần, không đủ để xem tivi, bóng đèn cũng không sáng được. Ông Hiên Nhơn, dân tộc Ve ở thôn 49A, xã Đắk Pring cho biết, thuỷ điện nhỏ là cách làm tự phát, rất tốn kém, nhưng chỉ là tạm thời Hơn thế nữa, nhiều năm trở lại đây, rừng bị tàn phá, thời tiết nắng nóng kéo dài, các dòng sông, con suối trở nên cạn kiệt, chỉ vài năm sau, phần lớn các tua-bin ngừng hoạt động Nhiều hộ dân phải trở lại cảnh đèn dầu. “Hơn chục năm trở lại sống với cảnh đèn dầu hiu hắt, tù túng, người dân ngày đêm mong mỏi được kéo điện lưới quốc gia như các xã bên cạnh để được đổi đời” - ông Brôl Trường nói.

...đến “Dòng điện mới”

“Dòng điện mới” là cách nói đầy hình ảnh của người dân 2 xã Đắk Pree, Đắk Pring khi lưới điện quốc gia về xã cung ứng cho đồng bào với độ ổn định, chất lượng điện khá tốt. Ngày 31/01/2013, trạm biến áp thứ 8 – trạm cuối cùng tại thôn 58 xã Đăk Pring được nghiệm thu đóng điện. Hầu hết các hộ dân trên địa bàn 7 thôn của 2 xã đã có điện trong dịp Tết Quý Tỵ.

Năm 2012, bằng nguồn vốn đầu tư của tỉnh do UBND huyện Nam Giang làm chủ đầu tư, một công trình lưới điện được xây dựng, đấu nối tiếp vào đường dây 22kV tại Đắk Tôi, kéo vào các xã Đắk Pree và Đắk Pring. Vượt qua những khó khăn về địa hình, thời tiết, đơn vị thi công đã hoàn thành công trình đúng tiến độ, với khối lượng gồm 11 km đường dây trung thế, 11,43 km đường dây hạ thế và 8 trạm biến áp 1 pha, cấp điện cho người dân ở các thôn 47, 48, 49A, 49B, 56B, 57, 58 của 2 xã nói trên.  

Lưới điện 22 kV cấp điện cho 2 xã Đắk Pree và Đắk Pring -  Ảnh: Nhị Triều

Trở về lại Đắk Pree, Đắk Pring, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Trên con đường làng, từng hàng trụ điện cao vút, cứng cáp, dây căng thẳng tắp, dẫn điện về xã. Các công tơ điện mới toanh được lắp ngay ngắn, dây dẫn vào nhà dân gọn gàng, an toàn.

Bí thư Đảng uỷ xã Đắc Pring, ông Kring Giúp tâm sự: “Nhờ có điện ổn định, người dân trong xã yên tâm dựng lại ngôi nhà khang trang hơn. Nhiều hộ mua nồi cơm điện, tivi, quạt máy, tủ lạnh; các cơ quan ở xã, trường học, trạm y tế, bưu điện đều có điện dùng liên tục”.

Đắk Pring, Đắk Pree bây giờ không còn hộ đói, hộ nghèo giảm rõ rệt. Cảnh tượng nhà tranh vách nứa xiêu vẹo, đèn dầu u ám đã lùi về quá khứ. Bức tranh nông thôn ở Đắk Pring, Đắk Pree đang ngày càng khởi sắc, đầy sức sống nhờ có dòng điện mới.
 


  • 13/08/2013 11:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3588


Gửi nhận xét