EVN SPC:Quyết liệt các phương án đảm bảo điện

Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), công suất sử dụng lớn nhất của Tổng công ty sẽ lên đến 7.147 MW (tháng 4/2014), tăng 15,1% so với năm 2013, nhu cầu tiêu thụ điện cao liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 6/2014. Trong bối cảnh thiếu nguồn cung phía Nam, năm 2014 là một năm khó khăn của EVN SPC.

Đối mặt với thách thức

Theo EVN SPC, năm 2014, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty phải thực hiện dự kiến trên 44 tỷ kWh, tăng 10,3% so với năm 2013. Đây là mức tăng khá cao so với các năm trước khi sản lượng tăng thêm chỉ giao động trong khoảng 3,3 tỷ kWh đến 3,9 tỷ kWh. Đặc biệt, hệ thống điện miền Nam không tự cân đối được công suất nội miền nên luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung, mức dự phòng công suất rất thấp, nhiều tháng gần như không có dự phòng và thiếu công suất đỉnh. Đây là nguy cơ tiềm ẩn mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm trong năm - Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó tổng GĐ EVN SPC cho biết.

Bên cạnh đó, hiện lưới điện khu vực phía Nam cũng còn nhiều điểm yếu cần phải khắc phục triệt để như: Lưới điện tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An đang hoạt động trong tình trạng đầy và quá tải, trong khi tiến độ thực hiện các trạm và đường dây 220 kV còn chậm. Các trạm 220 kV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh… đang trong tình trạng đầy tải, tạo ra sự căng thẳng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng tại một số khu vực.  

Nâng công suất các TBA 110 kV - một trong những giải pháp nhằm tăng khả năng truyền tải điện của EVN SPC. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đồng bộ các giải pháp…

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn khu vực phía Nam, EVN SPC đã có nhiều các giải pháp đồng bộ.

Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm theo từng tháng, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện đầu nguồn cho các công ty điện lực; có các biện pháp cụ thể kiểm tra và giám sát thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện tại các đơn vị; chủ động làm việc với khách hàng 110 kV về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải...

Với Công ty Lưới điện Cao thế miền Nam, Tổng công ty yêu cầu rà soát phương thức vận hành lưới điện 110 kV, tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng kỹ thuật, thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm và cải tạo lưới điện.

Các công ty điện lực cũng phải chủ động phối hợp với các sở công thương lập, trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt kế hoạch cung cấp điện cả năm và hàng tháng của đơn vị; làm việc với khách hàng lớn, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. Đồng thời, các công ty điện lực triển khai hỗ trợ khách hàng lập kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện và ban hành quy định về sử dụng điện tiết kiệm tại doanh nghiệp...

Về kế hoạch đầu tư tăng cường khả năng truyền tải của lưới điện 110 kV, hiện Tổng công ty đang thi công chuyển tiếp các công trình từ năm 2013, với tổng kinh phí 80,959 tỷ đồng, gồm: Tăng cường tiết diện dây cho 129 km đường dây Xuyên Mộc - Hàm Tân; Sóc Trăng 2 - Sóc Trăng (1,4 km); Mỹ Tho 2 - Bình Đức (3,4 km); Bình Đức - Gò Công Tây - Gò Công (41,4 km); 2 mạch Long An 2 - Phú Lâm (34,8 km); cải tạo 2 trạm biến áp Bình Thủy, Thốt Nốt, cải tạo nâng công suất 2 trạm biến áp Lương Sơn, Hàm Kiệm... “Với những giải pháp quyết liệt, EVN SPC đang phấn đấu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Nam. Đồng thời, EVN SPC kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sớm đưa các công trình trạm 220 kV: Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân và Đức Hòa vào vận hành” - ông Lễ cho biết.

Mục tiêu năm 2014 của EVN SPC:

-  Điện thương phẩm: 44.120 triệu kWh, tăng 10,3% so với thực hiện 2013.
- Tiết kiệm điện: 882 triệu kWh.
- Tỷ lệ điện dùng để phân phối điện: 5,48%.
-  Đầu tư xây dựng: Thực hiện giá trị 3.809 tỷ đồng.

 


  • 29/04/2014 11:31
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3535


Gửi nhận xét