Cũng theo Chủ tịch HĐTV EVN, đến năm 2020, EVN phải trở thành 1 trong 4 đơn vị điện lực đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Mặc dù quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đã đứng thứ 2 trong khu vực nhưng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn chưa cao.
Vì vậy, muốn đạt được mục tiêu trên, EVN không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động; xây dựng hệ thống điện hiện đại, vận hành kinh tế, an toàn, hiệu quả.
Theo đó, EVN có thể ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào 3 lĩnh vực chính gồm: Vận hành hệ thống điện, kinh doanh - dịch vụ khách hàng và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, phải hướng đến xây dựng các nhà máy điện thông minh, nâng cấp hệ thống điều hành, tăng cường tự động hóa, số hóa trong dịch vụ khách hàng,...
Theo ông Đặng Huy Cường – Thành viên HĐTV EVN, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án này, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp ngành Điện giảm được chi phí vận hành và bảo dưỡng thông qua bảo dưỡng dự đoán và thông qua giám sát trực tiếp; đồng thời tăng thời gian hoạt động của thiết bị, qua đó tăng sản lượng điện, tối ưu hóa hệ thống.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cũng phân tích những khó khăn, thách thức mà ngành Điện sẽ phải đối mặt khi độ phức tạp của hệ thống điện sẽ tăng lên một cách đáng kể đòi hỏi phải có phương pháp và công nghệ mới để vận hành thành công.