EVN đang thoát khỏi hình ảnh doanh nghiệp nhà nước độc quyền

Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực về sự hợp tác giữa VCCI và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Đậu Anh Tuấn

PV: Thưa ông, là đơn vị đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI ghi nhận, đánh giá như thế nào về dịch vụ điện năng trong năm 2016?

Ông Đậu Anh Tuấn: Kết quả điều tra, khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh (DNDD) và gần 1.600 doanh nghiệp FDI do VCCI thực hiện trong năm 2016 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, dịch vụ điện năng được đánh giá khá cao. 

Cụ thể, trong các dịch vụ về kết cấu hạ tầng, có 69% doanh nghiệp hài lòng về dịch vụ cung cấp điện, chỉ thấp hơn dịch vụ điện thoại (77%) và cao hơn dịch vụ cung cấp nước sạch (63%).

Theo đó, doanh nghiệp đánh giá cao các dịch vụ điện năng như, tra cứu thông tin về biểu giá điện, hóa đơn sử dụng điện khá dễ dàng; không còn tình trạng cắt điện luân phiên; các thông tin về lịch cắt điện, lịch ghi chỉ số công tơ... được gửi đến khách hàng bằng nhiều hình thức (email, tin nhắn); thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên ngành Điện đã thân thiện, chuyên nghiệp hơn...

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng, ngành Điện vẫn cần đổi mới và hoàn thiện. Điển hình, các chương trình đối thoại với khách hàng, chương trình tập huấn sử dụng điện dành cho khách hàng chưa mang lại hiệu quả thiết thực, mới chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn, sử dụng điện nhiều...

PV: Tháng 3 vừa qua, EVN và VCCI đã kí biên bản hợp tác đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp về dịch vụ điện năng. Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đánh giá sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện, trong đó có nhóm các doanh nghiệp là vấn đề mà VCCI đặc biệt quan tâm. Bởi tiếp cận điện năng là một trong những tiêu chí quan trọng, đánh giá mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh không chỉ ở quy mô doanh nghiệp mà ở tầm quốc gia. Tiếp cận điện năng tốt sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và xa hơn là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, chuyển đổi nền kinh tế... 

Tôi cho rằng, việc EVN chủ động đề nghị hợp tác với VCCI đã thể hiện được sự cam kết mạnh mẽ và công khai của Tập đoàn trong nỗ lực đưa ra những giải pháp, hành động thiết thực nhất, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp điện, tiếp cận điện năng… 

Sự hợp tác giữa VCCI và EVN sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách lớn của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực quốc gia.

PV: Với vị thế của mình, VCCI sẽ hỗ trợ EVN như thế nào trong quá trình hợp tác? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Cuộc điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm mới chỉ ghi nhận thông tin chung về chất lượng cơ sở hạ tầng trong đó có dịch vụ cung cấp điện. Thời gian tới, khi hợp tác với EVN, VCCI sẽ đưa ra bức tranh chi tiết hơn, đầy đủ hơn về dịch vụ điện năng, từ đó sẽ có các khuyến nghị cụ thể cho ngành Điện.

Theo đó, VCCI sẽ giúp EVN có được những thông tin đánh giá độc lập, khách quan và khoa học về chất lượng cung cấp điện, mức độ thuận lợi trong tiếp cận điện năng. Qua đó, sẽ thấy được những vấn đề của ngành Điện hiện nay từ góc nhìn độc lập: Các doanh nghiệp đang sử dụng điện đánh giá như thế nào? Các nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước đánh giá ra sao? Họ kỳ vọng gì vào ngành Điện? 

Ngoài việc so sánh chất lượng cung cấp điện, tiếp cận điện năng theo vùng, địa phương, VCCI cũng sẽ so sánh ngành Điện với các dịch vụ quan trọng khác như viễn thông, internet, đường bộ, khu công nghiệp, cảng biển… 

Hiện nay, VCCI đang tiến hành nghiên cứu sâu về thủ tục tiếp cận điện năng của doanh nghiệp tại các địa phương. Bởi những thủ tục này không chỉ thuộc phạm vi của ngành Điện mà còn có các thủ tục về xây dựng, quy hoạch, đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua những nghiên cứu này, VCCI sẽ đồng hành cùng EVN trong quá trình vận động chính sách đối với chính quyền cấp tỉnh và cấp Trung ương, thực hiện hiệu quả hơn chỉ số tiếp cận điện năng. 

PV: Việc đánh giá sự hài lòng của khách hàng với ngành Điện sẽ được VCCI thực hiện theo những tiêu chí nào, thưa ông? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Qua thảo luận với EVN, trước mắt, chúng tôi dự kiến lồng ghép khảo sát đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp về ngành Điện với cuộc khảo sát PCI.

Trong thời gian tới, nhóm chuyên gia của VCCI sẽ họp bàn với EVN về thiết kế hệ thống chỉ tiêu đánh giá cụ thể, kế thừa những thông tin mà VCCI đang có hiện nay; đồng thời bổ sung các tiêu chí mới theo mong muốn của lãnh đạo Tập đoàn và yêu cầu của Chính phủ.

VCCI cũng sẽ cân nhắc, tự thực hiện hay lựa chọn đối tác cùng tham gia đánh giá mức độ hài lòng của các chủ thể sử dụng điện như hộ kinh doanh, cá nhân, gia đình… Quy mô khảo sát cụ thể sẽ trao đổi và thảo luận với EVN trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực thực hiện.

PV: Là đơn vị gắn bó với doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì để EVN thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hình ảnh thường thấy đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có bề dày lịch sử phát triển, cung cấp dịch vụ có tính chất độc quyền là sự chậm chạp, trì trệ và thiếu năng động... Nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng, EVN đang từng bước thoát khỏi hình ảnh này. Thời gian qua, EVN đã có những nỗ lực rất lớn trong cải thiện chất lượng dịch vụ; đổi mới hoạt động và vươn tới đạt chuẩn của khu vực và quốc tế. 

Tuy nhiên, với đặc thù của mình, không dễ ngày một ngày hai mà EVN có thể xóa bỏ được định kiến trong nhiều người. Hơn thế, việc chuyển tải những mong muốn, ý chí quyết tâm từ lãnh đạo Tập đoàn xuống các đơn vị thành viên, đến từng CBCNV là một thách thức lớn, một hành trình dài, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải tạo ra được sức ép và có được bộ công cụ đánh giá cụ thể. 

Tôi nghĩ, việc liên kết và hợp tác giữa VCCI và EVN là cơ hội tốt, giúp mỗi đơn vị thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Trên khung cơ sở hợp tác vừa được lãnh đạo VCCI và EVN ký kết, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể ở từng giai đoạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ, kế hoạch của EVN và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên tắc phải là đồng lợi ích, thực chất và vững bền.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 10/05/2017 09:24
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 15138