Kể từ năm 1994 - khi đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch I được đưa vào vận hành, đến trước khi EVNNPT được thành lập, hệ thống truyền tải điện 220 kV, 500 kV đã được xây dựng và phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng. Trong 14 năm, tổng dung lượng máy biến áp 220 - 500 kV đã tăng hơn 4,7 lần, tổng chiều dài đường dây tăng gần 3,5 lần.
Tới đầu những năm 2000, toàn ngành Điện đã thu được nhiều kết quả và thành tựu lớn, trong đó có phần đóng góp cơ bản của các đơn vị truyền tải điện, làm tươi mới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; lưới điện đã được phủ khắp các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác quốc tế, khoa học, công nghệ... Điện đã phục vụ tốt các ngành công nghiệp, kinh tế - kỹ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp; kinh doanh thương mại, du lịch dịch vụ; điện đã được đưa về phục vụ thắp sáng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực hoạt động truyền tải điện của đất nước đã phát sinh không ít vấn đề tồn tại bức xúc - những bài toán liên quan trực tiếp và gián tiếp mà ngành Điện phải có trách nhiệm tìm ra đáp số. Đó là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng của nước ta, khiến cho nhu cầu sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tăng lên rất nhiều, trong khi vốn đầu tư và nguồn tài chính của Nhà nước và của từng đơn vị trong ngành Điện lại rất hạn hẹp.
Tính cạnh tranh của các đơn vị truyền tải điện còn rất thấp; sự liên kết công việc, trong đó có cả sự giúp đỡ, hỗ trợ nhau giữa các Sở Điện lực, các Ban Quản lý dự án, các công ty truyền tải điện ở những vùng, miền còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi gần như “cắt khúc”, “biệt lập”; quá nhiều đầu mối quản lý cũng khiến các cơ quan chức năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Bộ Năng lượng lúc ấy có phần thiếu sự chỉ đạo tập trung, sâu sát và hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Thực tế trên đòi hỏi EVN đã đến lúc phải có một đơn vị doanh nghiệp đủ mạnh, đủ lớn để trực tiếp thống nhất quản lý, điều hành toàn bộ các đơn vị trong hệ thống truyền tải điện của đất nước, vừa đảm bảo sự vận hành lưới điện an toàn, liên tục, thông suốt, bảo toàn và phát huy được nguồn vốn của Nhà nước ở các đơn vị doanh nghiệp truyền tải điện, vừa khắc phục được những vấn đề tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực truyền tải điện, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới nền kinh tế quốc dân.
Chính vì vậy, EVN đã khẩn trương xây dựng Đề án thành lập EVNNPT, trình lên Bộ Năng lượng, lên Chính phủ. Đề án này cũng chính là để triển khai Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.
Ngày 01/7/2008, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1339/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập EVNNPT trực thuộc EVN.
EVNNPT vững bước đi lên sau 10 năm thành lập
|
Từ chủ trương đó, Hội đồng Quản trị EVN đã ra quyết định thành lập EVNNPT trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.
EVNNPT được thành lập với sứ mệnh: "Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam". EVNNPT thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải điện Quốc gia, bao gồm các trạm biến áp và đường dây cấp điện áp 220kV và 500kV.
Như vậy, việc ra đời của EVNNPT là sự chuyển hóa cao hơn về chất và lượng của ngành Điện Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao và gay gắt của kinh tế thị trường. Sự kiện này đã mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện năng ở nước ta.